Thời điểm này, người dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa xuân. Bên cạnh niềm vui được mùa thì vẫn còn những lo lắng xen lẫn do tình trạng ở nhiều nơi, bà con tuốt lúa, phơi thóc, rơm rạ ngay trên các tuyến đường giao thông, từ đường quốc lộ, liên huyện, liên xã đến liên thôn, vừa gây mất mĩ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Người dân phơi thóc lấn chiếm lòng đường tỉnh lộ 486, đoạn qua xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Tỉnh lộ 486 đi qua địa bàn các xã Hiển Khánh, Minh Thuận, Kim Thái (Vụ Bản) là tuyến đường có lưu lượng phương tiện qua lại đông, nhưng cứ đến mùa gặt, mặt đường lại càng bị thu hẹp do một số người dân chiếm dụng lòng, lề đường để phơi thóc, rơm, rạ, khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Đáng nói là những người dân mặc dù nhận thức rõ hành vi của mình là sai và có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, nhưng với lý do không có sân phơi nên vẫn cố tình vi phạm. Không chỉ trên tỉnh lộ 486, nhiều tuyến đường giao thông khác trên địa bàn tỉnh cũng bị người dân chiếm dụng lòng, lề để phơi rơm rạ, thóc lúa hay vận hành máy tuốt lúa ven đường như tỉnh lộ 484 đoạn qua các xã Yên Dương, Yên Bình (Ý Yên), tỉnh lộ 488 đoạn qua huyện Trực Ninh… Ngoài việc thu hẹp lòng đường, cản trở giao thông, việc phơi thóc, rơm ngoài đường khiến một số phương tiện, nhất là xe máy có thể bị trượt ngã khi đi vào, còn ô tô thì có nguy cơ bị rơm, rạ cuốn vào gầm xe gây chập cháy. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn trải bạt để phơi lúa, sử dụng gạch, đá nhằm cố định phần bạt, thậm chí còn để cành cây chắn lấn thêm phần đường ngoài phạm vi phơi thóc. Vì vậy, các phương tiện khi lưu thông qua những đoạn đường này đều phải giảm tốc độ hoặc lấn sang cả làn đường ngược chiều. Bà Nguyễn Thị M. một người dân phơi thóc trên tỉnh lộ 486, đoạn qua xã Hiển Khánh (Vụ Bản) cho biết: “Chúng tôi cũng biết phơi ngoài đường có ảnh hưởng đến an toàn giao thông nhưng do nhà không có sân phơi tôi nên tranh thủ phơi ngoài đường. Vả lại khi thu hoạch lúa chúng tôi cũng chỉ tận dụng quãng thời gian ngắn 2 – 3 ngày để phơi thóc nên mong người lưu thông trên đường thông cảm”. Không chỉ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông mà còn nguy hiểm cho chính người dân đứng phơi, cào thóc ngay trên đường. Anh Nguyễn Thành Ba, một tài xế thường xuyên đi qua tỉnh lộ 484 chạy qua địa phận xã Yên Dương cho biết: “Hàng ngày tôi đi giao hàng qua tuyến đường này nhưng vào mùa vụ, việc lưu thông trên đường gặp không ít khó khăn khi trên tuyến đường có nhiều vật cản do người dân cố ý phơi thóc, rơm trên đường, nhất là vào đoạn đường khuất tầm nhìn, có lối rẽ vào khu dân cư… nếu lái xe không tập trung xử lý, rất dễ gây tai nạn”.
Người dân phơi thóc trên tuyến đường liên xã qua địa phận xã Tân Khánh (Vụ Bản). |
Vẫn biết nhu cầu về sân phơi thóc vào mùa thu hoạch lúa là rất lớn và quan trọng, nhưng việc tận dụng đường giao thông để phơi là điều không nên. Bà con có thể giải quyết bằng cách phơi thóc trên các tấm bạt lớn ngay trên đồng ruộng, khoảng không gian nơi vườn tược… như vậy vừa không ảnh hưởng tới giao thông mà sản phẩm gạo sau này không bị đá, sỏi sạn lẫn vào. Ở một số địa phương, bà con còn đốt rơm rạ ngay gần đường khiến khói bay mù mịt, điều này gây cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông. Thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính là do việc phơi rơm, rạ, thóc trên đường. Để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh ý thức của người dân chưa cao, còn do công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương chưa được chú trọng đúng mức. Các cơ quan chức năng cũng chưa quyết liệt xử lý triệt để những vi phạm.
Người dân phơi thóc lấn chiếm lòng đường tỉnh lộ 486, đoạn qua xã Hiển Khánh (Vụ Bản). |
Để giảm thiểu, ngăn chặn kịp thời việc đốt rơm rạ, phơi thóc trên các tuyến đường giao thông trong quá trình thu hoạch và tình trạng xả rác, đốt rác thải không đúng quy định, mới đây, ngày 1- 6 – 2023, UBND tỉnh đã có Văn bản số 366/UBND-VP3 yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý việc đốt rơm rạ, đốt rác thải và phơi thóc không đúng quy định. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân không lấn chiếm lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, rơm, rạ. Việc xử lý các trường hợp cố tình vi phạm là cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc. Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ cũng quy định mức phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng đối với việc “phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ. Ngoài ra, người vi phạm còn phải “buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ”. Người có hành vi phơi lúa trên đường nếu để xảy ra tai nạn, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định. Tùy vào mức độ nguy hiểm và hậu quả xảy ra, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, hy vọng trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ chấm dứt được tình trạng phơi rơm, rạ, thóc và đốt rơm, rạ trên đồng, nhất là nơi gần đường giao thông để đảm bảo mĩ quan, tránh ô nhiễm môi trường và những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra./.
Bài và ảnh: Hồng Minh