Trả lời Báo Thanh Niên trước đây, đại diện IDP Việt Nam cho biết các đối tác IELTS đang làm việc với những bên liên quan để có thể triển khai One Skill Retake (OSR) tại Việt Nam. Tính năng này cho phép thí sinh làm lại một trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong vòng 60 ngày kể từ khi nhận kết quả chính thức. Đây là một tin vui với các thí sinh sẽ thi IELTS trong thời gian tới.’
NGUY CƠ LẠM PHÁT
Là người từng thi IELTS 3 lần vì công việc và học tập, tôi hiểu việc thi IELTS tốn kém như thế nào. Trước đây, để cải thiện điểm tổng, thí sinh chỉ có thể phúc khảo hoặc thi lại cả 4 kỹ năng. Trong tương lai, nhờ OSR, thí sinh có thể tiết kiệm chi phí để thi lại một trong 4 kỹ năng có điểm số không như ý.
Từ phía các đối tác IELTS, đây cũng là cách tốt để tăng lợi nhuận. Việc chi gần 5 triệu đồng thi lại 4 kỹ năng sẽ khó với nhiều thí sinh, nhưng viễn cảnh có thể chỉ bỏ ra mức thấp hơn nhưng giúp thay đổi tổng điểm sẽ khiến các bạn thay đổi suy nghĩ. Bởi, với cách tính điểm của IELTS, chỉ cần thay đổi 0.5 ở một kỹ năng cũng tạo ra khác biệt trong kết quả tổng.
Tuy nhiên, việc cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng IELTS cũng tồn tại những bất cập. Hai vấn đề lớn nhất là khả năng “lạm phát” điểm số cũng như có thể thay đổi hoàn toàn chiến thuật học và thi ở thời điểm hiện nay.
Theo các báo cáo về IELTS tại Việt Nam, thí sinh đang trẻ hóa với hơn 60% người dự thi năm 2022 ở độ tuổi từ 16 – 22. Điểm trung bình cũng tăng từ 5.9/9.0 vào năm 2015 lên mức 6.2 vào năm 2022, kéo “ngưỡng chuẩn” IELTS cũng tăng theo. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, khi tôi còn là sinh viên, đạt 7.0 đã tạm đủ để đi dạy IELTS thì giờ đây, nhiều trung tâm chỉ tuyển giáo viên trên 8.0, chưa đề cập năng lực sư phạm.
Với tính năng thi lại một kỹ năng IELTS, câu chuyện “lạm phát” điểm có thể bị đẩy xa hơn. Trong trường hợp này, điểm cao không đồng nghĩa với chất lượng thí sinh tăng lên, vì sẽ có nhiều người sẵn sàng “buông” 1 kỹ năng sau đó bỏ tiền thi lại nếu thấy không đủ thời gian học, hay việc học 4 kỹ năng cùng lúc dường như là quá tải.
Chẳng hạn, theo quy trình hiện tại, một buổi sẽ thi liên tục 3 kỹ năng nghe, đọc, viết. Không ít thí sinh phàn nàn rằng đến khi thi viết họ đã quá mệt và điều này ảnh hưởng đến kết quả làm bài. Việc ôn thi viết cũng cần nhiều thời gian hơn các kỹ năng nghe, đọc nên nhiều thí sinh ít tập trung vào kỹ năng viết.
Tất nhiên, sẽ còn quá sớm để nói rằng thay đổi trên có thể dẫn đến “lạm phát” điểm. Muốn đánh giá tác động của một thay đổi cũng như chính sách của ngành giáo dục cần có số liệu để đánh giá, như ở đây là điểm số của thí sinh sau khi thi lại một kỹ năng IELTS.
THAY ĐỔI CÁCH HỌC
Điều khiến tôi băn khoăn hơn là cách người học nhìn nhận việc ôn luyện IELTS. Việc cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng IELTS phản ánh rõ hơn đây là một kỳ thi chuẩn hóa đòi hỏi phải có chiến lược để thi hiệu quả, chứ không còn đơn thuần là đánh giá năng lực ngôn ngữ của thí sinh.
Đây là điều không quá mới, khi trước giờ nhiều người vẫn cho rằng những mẹo hay thủ thuật ôn IELTS khiến thí sinh không phát triển quá nhiều năng lực ngôn ngữ mà chủ yếu là năng lực thi chứng chỉ. Tuy nhiên, với việc cho thi lại một kỹ năng, nhiều thí sinh có thể thay đổi cả chiến lược thi.
Thời gian IELTS cho phép thi lại là 60 ngày. Đây là khoảng thời gian dài, đủ để nâng điểm một kỹ năng khi thí sinh chỉ cần tập trung học một cái thay vì dàn trải cả 4 kỹ năng. Nhiều người cho rằng thi lại một kỹ năng chỉ là giải pháp trong trường hợp thí sinh đạt số điểm kém hơn kỳ vọng. Tôi không nghĩ chỉ đơn giản như vậy, hoặc vẫn sẽ có những nhóm thí sinh tư duy kiểu khác.
Khi các trung tâm luyện thi vẫn ra rả nói về chiến lược học và thi hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh IELTS như một kỳ thi với thang đo điểm số, chắc chắn việc cân nhắc từ bỏ một kỹ năng để tập trung ôn sau cũng là chiến lược khả dĩ. Và nếu mục tiêu thi IELTS là nhằm giành điểm cao chứ không phải để đánh giá năng lực ngôn ngữ của bản thân, thí sinh sẽ tìm mọi cách để có thể “thắng”.
Việc cho phép thí sinh thi lại một kỹ năng IELTS cũng tồn tại những bất cập. Hai vấn đề lớn nhất là khả năng “lạm phát” điểm số cũng như có thể thay đổi hoàn toàn chiến thuật học và thi ở thời điểm hiện nay.
Thi lại 1 kỹ năng tiến hành ra sao ?
Trên trang web chính thức của IDP Việt Nam, tổ chức này cho biết tính năng IELTS OSR hiện áp dụng ở 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, “và vào đầu năm 2024 sẽ mở rộng ở tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại có tổ chức thi IELTS”.
Theo các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS, OSR được giới thiệu lần đầu tiên tại Úc vào tháng 11.2022. Tính năng này cho phép thí sinh làm lại một trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nếu không đạt được điểm số ưng ý trong lần thi đầu tiên, thay vì phải làm lại toàn bộ bài thi như trước. Và dù chọn thi lại kỹ năng nào, lệ phí cũng đều như nhau.
Sau khi hoàn thành bài thi OSR, thí sinh sẽ nhận được bảng điểm (test result form) mới có hiển thị thông tin kỹ năng mà thí sinh đã thi lại, kèm kết quả mới của kỹ năng đã thi lại cùng kết quả của 3 kỹ năng trước đó trong lần thi đầu tiên. Thời gian nhận bảng điểm mới này là từ 3 – 5 ngày, theo các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS.
Tuy nhiên, nếu muốn đăng ký thi OSR, thí sinh cũng phải đáp ứng cả 3 yêu cầu, gồm đã thi ở một trung tâm khảo thí có cung cấp dịch vụ OSR; dự thi đủ 4 kỹ năng ở hình thức thi trên máy tính và đã nhận được kết quả chính thức; và chỉ đăng ký tính năng OSR trong vòng 60 ngày kể từ lần thi đầu tiên. Thí sinh cũng chỉ được thi lại một lần, không thể thi lại 4 lần cho 4 kỹ năng khác nhau.
Đại diện IDP Việt Nam chia sẻ thêm bài thi IELTS OSR được công nhận và chấp nhận rộng rãi bởi các trường, chính phủ và những tổ chức có liên quan trên khắp thế giới. “OSR được thiết kế chuyên nghiệp và học thuật nhằm cung cấp cho thí sinh công cụ cần thiết để đạt được mục tiêu giáo dục và nghề nghiệp của bản thân, mang lại sự linh hoạt và thuận tiện nhất cho nhu cầu của thí sinh”, người này cho hay.
Ngọc Long
Bản chất học ngoại ngữ
Học ngoại ngữ không phải là “phép cộng” theo kiểu hôm nay học 3 kỹ năng, 2 tháng sau học tiếp kỹ năng còn lại là có thể giỏi toàn diện 4 kỹ năng. Học ngoại ngữ nên là “phép nhân”, vì khi 4 kỹ năng cùng song hành sẽ cộng hưởng trình độ ngôn ngữ lên rất nhiều.
Chấp nhận loại trừ một kỹ năng trong quá trình học để “đẩy” điểm các kỹ năng khác, đôi khi người học không nhận ra mình khó liên kết được các kỹ năng với nhau để tạo ra năng lực ngôn ngữ tổng quát. Và IELTS chỉ nên được nhìn nhận là một hành trình nhỏ, chứ không phải điểm dừng của việc học tiếng Anh. Bởi, người học nên đi xa hơn để nhìn những bài thi khác hay việc sử dụng tiếng Anh trong đa dạng môi trường.
(*) Tác giả là học giả chương trình Fulbright, thạc sĩ chuyên ngành truyền thông và năng lực số tại ĐH Clark (Mỹ)