Các nhóm khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda đang sử dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, để truyền bá thông điệp cực đoan, tránh kiểm duyệt và trên hết là để tuyển dụng thành viên.
Trong Family Guy, một trong những chương trình hài kịch hoạt hình nổi tiếng thế giới, có cảnh nhân vật chính là Peter Griffin lái chiếc xe tải chứa bom băng qua cầu. Nhưng từ đoạn trích trên, IS đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay lời nói của Griffin bằng câu: “Vũ khí của chúng tôi rất khủng, chúng tôi có rất nhiều cấp bậc, những người lính của Allah đã sẵn sàng hơn” nhằm thu phục thêm nhiều người theo IS.
Ông Daniel Siegel, nhà nghiên cứu Mỹ, nhận định: “Việc phổ biến nhanh chóng công nghệ AI trong những năm gần đây tác động sâu sắc đến cách các tổ chức cực đoan gây ảnh hưởng trên không gian mạng”. Theo Báo The Washington Post, vào tháng 2-2024, một nhóm liên kết với Al-Qaeda tuyên bố bắt đầu tổ chức các hội thảo về AI trực tuyến, sau đó, nhóm này cũng đã đưa ra hướng dẫn sử dụng chatbot AI. Còn hồi tháng 3 năm nay, sau khi một nhánh của IS tấn công khủng bố vào một nhà hát ở Moscow, một trong những người theo dõi nhóm này đã tạo ra một bản tin giả và đăng tải công khai trên mạng. Mới nhất, vào đầu tháng 7, các quan chức của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha đã bắt giữ 9 thanh niên đang chia sẻ các nội dung tôn vinh tổ chức IS, trong đó có một đối tượng được mô tả là tập trung vào nội dung đa phương tiện cực đoan, sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa chuyên dụng được AI hỗ trợ.
Ông Moustafa Ayad, Giám đốc điều hành khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Á tại Viện Đối thoại chiến lược có trụ sở tại London, khẳng định: “AI được sử dụng như là một công cụ bổ sung cho tuyên truyền chính thức của cả Al-Qaeda và IS”. Điều này không gây ngạc nhiên đối với những người quan sát lâu năm về IS. Khi lần đầu tiên nổi lên vào khoảng năm 2014, nhóm cực đoan này đã thực hiện các video với mục đích đe dọa và tuyển mộ thành viên. Các cơ quan giám sát đã liệt kê nhiều cách sử dụng AI khác nhau của các nhóm cực đoan. Bên cạnh việc tuyên truyền, IS cũng có thể sử dụng chatbot như ChatGPT để trò chuyện với những tân binh tiềm năng.
Tuy các mô hình AI, như ChatGPT, cũng có một số quy tắc nhất định để ngăn người dùng vào phạm tội ác như khủng bố, giết người nhưng những quy tắc này đã được chứng minh là không đáng tin cậy và những kẻ khủng bố có thể vượt qua dễ dàng. Cũng có lo ngại rằng, những kẻ cực đoan có thể sử dụng các công cụ AI để thực hiện các cuộc tấn công mạng, hoặc giúp chúng lên kế hoạch tấn công khủng bố trong đời thực.
Theo các nhà phân tích, hiện tại, mối đe dọa lớn hơn chính là các nhóm này thực sự tiến hành các cuộc tấn công và truyền cảm hứng cho các tác nhân “sói đơn độc” hoặc tuyển mộ thành công thành viên mới. Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế bức xúc trước cuộc chiến của Israel tại Gaza, các nhóm cực đoan lợi dụng những cái chết của dân thường như một công cụ hùng biện để tuyển mộ và xây dựng các chiến dịch.
KHÁNH MINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguy-co-khi-cac-nhom-khung-bo-su-dung-cong-nghe-cao-post749867.html