Luật Giáo dục ĐH năm 2012 quy định cơ sở giáo dục ĐH phải triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.
Nhưng kiểm định chất lượng giáo dục dường như đang trở thành gánh nặng của không ít trường ĐH.
Vấn đề này một lần nữa được nêu ra trong tọa đàm rà soát, đánh giá việc thực hiện luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối tuần qua, với sự tham gia của đại diện nhiều sở GD-ĐT và cơ sở giáo dục ĐH phía nam.
BĂN KHOĂN VÌ SAO KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG LÀ BẮT BUỘC
PGS-TS Trần Tiến Khai, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng và phát triển chương trình ĐH Kinh tế TP.HCM, đề xuất nên có quy định chính thức về hội đồng bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH. Bởi trong thực tiễn, công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng của trường ĐH thành công hay không phụ thuộc vào mức độ quan tâm của lãnh đạo trường đó và không có sự đồng đều giữa các trường.
PGS-TS Khai nói: “Một vấn đề hầu hết các trường đều băn khoăn là vì sao kiểm định chất lượng là bắt buộc trong khi trên thế giới hầu như không có quốc gia nào bắt buộc việc này? Dĩ nhiên, họ có những chuẩn chung của quốc gia, tương tự Thông tư 01 về chuẩn chất lượng giáo dục. Chuẩn chung thì phải có nhưng có nên bắt buộc hay không?”.
Đại diện ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng có thể việc này là cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi cần củng cố chất lượng của hệ thống cơ sở giáo dục ĐH của VN. “Nhưng chúng ta có cần phải chi tiết hóa đến mức tất cả các chương trình đào tạo bắt buộc phải kiểm định hay không? Việc này gây ra gánh nặng tài chính rất lớn cho hệ thống trường ĐH mà không phải trường nào cũng có thể kham nổi, ảnh hưởng đến tiến độ kiểm định chất lượng của trường tương ứng với mong muốn của Bộ và quy định nhà nước”, PGS-TS Khai nêu vấn đề.
CHẠY THEO KIỂM ĐỊNH VÀ NỖI LO GIẢM CHẤT LƯỢNG
Trên quan điểm cá nhân, ông Khai cho rằng có thể khi trường có đến 50 chương trình đào tạo đã được kiểm định, cộng các cơ sở đào tạo khác cũng đã được kiểm định, thì những chương trình còn lại cũng nên được xem đạt mức độ đó. Cách làm này có thể giảm tải cho các trường trong hoạt động kiểm định. Bên cạnh đó, thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định chất lượng hiện là 5 năm, nhưng giai đoạn 2 nên kéo dài ra 7 năm để đỡ áp lực cho các trường. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng vừa đạt chuẩn kiểm định lại chuẩn bị tái kiểm định.
Liên quan vấn đề này, TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng kiểm định là chính sách tốt nhưng cần có lộ trình. TS Dung nói: “Vừa rồi cảm giác trường ĐH nào cũng chạy theo kiểm định. Khi dồn quá nhiều dẫn đến chất lượng kiểm định có thể không đủ niềm tin nhiều như ban đầu”. Theo TS Dung, cái gốc của vấn đề này chính là vì học phí. Các trường muốn kiểm định đạt được tiêu chuẩn để tự chủ xác định học phí nên chạy theo kiểm định.
Theo quy định hiện nay, một trong các điều kiện để cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ là công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.
Cơ sở giáo dục ĐH khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.
Trường ĐH công lập được tự xác định mức thu học phí của chương trình đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do trường ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học và xã hội.
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng cho thấy so với năm 2020, chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng trong hai năm 2022 và 2023 vượt lên tới 40 – 50%, riêng năm 2022 làm rất nhanh. Đến hết tháng 7.2023, có 399 chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế trong tổng số hơn 1.200 chương trình đào tạo đã được kiểm định.
SẼ NGHIÊN CỨU ĐỂ GIẢM TẢI
Trước những băn khoăn nói trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nghiên cứu kỹ các ý kiến này bởi đúng thực tế không nước nào bắt buộc phải kiểm định tất cả chương trình đào tạo. Hơn nữa, ngay cả kiểm định cơ sở giáo dục, nhiều cơ sở chưa kiểm định, trong luật không nêu rõ chế tài.
Chia sẻ về hướng tiếp cận sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết trong xu hướng giao quyền tự chủ, cơ sở giáo dục có năng lực có thể được giao quyền tự kiểm định hệ thống. Ví dụ, ĐH quốc gia là đơn vị có năng lực tự kiểm định, có thể tự kiểm định các đơn vị thành viên, các chương trình đào tạo trong hệ thống. Sau đó, tổ chức kiểm định bên ngoài sẽ kiểm định lại hệ thống kiểm định của ĐH quốc gia nhưng ở bước này chỉ lấy mẫu một số chương trình. Khi đó, các ĐH quốc gia, ĐH vùng, ĐH lớn có thể được giao làm theo cách này… và cũng là một cách để giảm tải.
Tình trạng “rất khó xử” trong tuyển dụng giáo viên
Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đánh giá về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật Giáo dục trong giai đoạn 2020 – 2024 và luật Giáo dục ĐH giai đoạn 2019 – 2023. Đồng thời đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế. Đáng chú ý là ý kiến của ông Nguyễn Phương Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang, liên quan vấn đề tuyển dụng giáo viên (GV).
Ông Nguyễn Phương Toàn nêu vướng mắc thực tiễn triển khai liên quan chuẩn trình độ GV. Theo quy định của luật Giáo dục, chuẩn trình độ GV mầm non phải tốt nghiệp CĐ sư phạm, GV dạy từ tiểu học trở lên phải tốt nghiệp ĐH sư phạm. Nhưng trong luật có một khoản mở tại khoản 1 điều 72, trường hợp môn học chưa đủ GV có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Nhưng ông Toàn cho biết trong tuyển dụng lại nảy sinh vấn đề. Theo quy định, sinh viên muốn vào học ngành sư phạm phải đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Nhưng những em rớt điểm sàn này lại theo học các trường tư thục hoặc các ngành cử nhân và học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, thì bắt buộc vẫn phải nhận vào.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang đã nêu ra một trường hợp “rất khó xử” tại địa phương này. Ông nói: “Một em tốt nghiệp một trường ĐH địa phương, chuyên ngành tiếng Việt và văn hóa VN. Ban đầu, khi em nộp dự tuyển GV sư phạm ngữ văn thì Sở GD-ĐT Tiền Giang không nhận. Tuy nhiên, khi phụ huynh khiếu nại Sở phải xin ý kiến Bộ GD-ĐT và Bộ trả lời giao quyền cho Sở hoặc Sở phối hợp với cơ sở đào tạo. Bắt buộc, chúng tôi làm một văn bản gửi trường ĐH và trường trả lời cho Sở rằng sinh viên ngành tiếng Việt và văn hóa VN đủ tiêu chuẩn, bằng cấp và năng lực tham gia giảng dạy môn ngữ văn cấp THPT”.
“Điều này rất khó xử cho Sở, bởi ngành sư phạm ngữ văn không chỉ đào tạo văn học VN mà còn văn học nước ngoài… Nhưng với văn bản của trường ĐH thì Sở GD-ĐT Tiền Giang bắt buộc phải nhận một sinh viên ngành tiếng Việt và văn hóa VN nếu em đó trúng tuyển”, ông Toàn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận đây là một trường hợp khá đặc biệt. Do đó, vấn đề ngưỡng đầu vào cần được nghiên cứu kỹ để đảm bảo công bằng cho người học.
Nguồn: https://thanhnien.vn/kiem-dinh-chat-luong-giao-duc-nguy-co-ganh-nang-cua-truong-dh-185241110202950274.htm