Ngày 4/10, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp thuế bổ sung đối với xe ô tô điện nhập khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Bắc Kinh nhằm tìm giải pháp cho tranh chấp thương mại vẫn đang diễn ra.
Nếu được áp dụng, thuế đối với các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc sẽ là 17% đối với ô tô của BYD, 18,8% đối với ô tô của Geely và 35,3% đối với ô tô của SAIC thuộc sở hữu nhà nước.
Geely có các thương hiệu bao gồm Polestar và Volvo của Thụy Điển, trong khi SAIC sở hữu MG của Anh, một trong những thương hiệu xe điện bán chạy nhất châu Âu. Theo đánh giá của giới phân tích, đây có thể sẽ là biện pháp thương mại lớn nhất của EU đối với Trung Quốc trong hơn 1 thập kỷ qua.
Nguyên nhân khiến EC mạnh tay
Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu điều tra các khoản trợ cấp của chính phủ cho việc sản xuất xe điện ở Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Những người khởi xướng lập luận rằng các nhà sản xuất từ Trung Quốc được hưởng lợi từ những khoản trợ cấp như vậy về mặt giá cả, điều này làm suy yếu sự cạnh tranh và đe dọa việc sản xuất các sản phẩm tương tự ở châu Âu. Vào tháng 7, EC, tiếp tục điều tra, áp dụng thuế nhập khẩu bổ sung tạm thời, kéo dài 4 tháng đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.
Theo giới phân tích chính trị, có 2 nguyên nhân giải thích cho quyết định của châu Âu. Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất phương Tây và cứu họ khỏi sự cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc, và thứ hai, làm chậm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc và tước đi thu nhập xuất khẩu gia tăng của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ và cho rằng, quyết định này làm suy yếu “sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Vào tháng 8, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ngoài ra, Trung Quốc đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với việc cung cấp thịt lợn và các sản phẩm từ sữa từ châu Âu. EC cũng gửi yêu cầu tới WTO để tham vấn về quyết định của Bắc Kinh.
EU thiếu sự đồng thuận
Trong số những quốc gia đã bỏ phiếu phản đối việc áp dụng thuế quan vào ngày 4 tháng 10 có Đức. Chính quyền Đức đã phải đối mặt với áp lực mạnh mẽ từ các công đoàn sản xuất ô tô, những người lo ngại các lệnh trừng phạt trả đũa từ Bắc Kinh.
Mercedes, BMW và Volkswagen, những hãng kiếm được hơn 25% lợi nhuận nước ngoài từ thị trường Trung Quốc, đã kiên quyết phản đối việc áp dụng mức thuế đặc biệt. Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse gọi cuộc bỏ phiếu là “phát súng chí mạng đối với ngành công nghiệp ô tô châu Âu” và cho rằng cần có một giải pháp đàm phán nhanh chóng giữa EU và Trung Quốc để ngăn chặn một cuộc xung đột thương mại, mà chắc chắn sẽ không có người chiến thắng.
Trước đó, ngày 2/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng việc đẩy sản phẩm nước ngoài ra khỏi thị trường và thu hẹp vòng đối tác thương mại là sai lầm, đồng thời lưu ý nên tiếp tục đàm phán với Trung Quốc. Ông nói: “Mở rộng thương mại với nhiều đối tác ở nhiều quốc gia hơn chính là quản lý rủi ro thông minh trong một thế giới đầy biến động”.
Đồng thời, vào tháng 4, Thủ tướng Olaf Scholz cùng với một phái đoàn gồm các doanh nhân Đức, trong đó có người đứng đầu tập đoàn Volkswagen, đã đến thăm Trung Quốc, cố gắng đạt được sự cân bằng lớn hơn trong quan hệ kinh tế song phương. Các công ty Đức quan tâm đến hợp tác với Trung Quốc muốn mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc, nơi mà theo họ, các nhà sản xuất địa phương có lợi thế đáng kể.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng bày tỏ nghi ngờ mức độ hiệu qua trong việc áp dụng thuế thương mại đối với các sản phẩm từ Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Kossuth, ông nói rằng với quyết định này, EU đang tiến tới một “cuộc chiến tranh lạnh kinh tế” với Trung Quốc. Theo ông Orban, hàng hóa sản xuất tại EU sẽ khó tìm được doanh số trên thị trường thế giới “nếu thế giới bị chia thành hai khối”. Hungary dự định tiếp tục giao thương với cả hai bên, mặc dù Thủ tướng Orban không tin tưởng rằng Budapest có thể tiếp tục theo đuổi thành công chiến lược trung lập kinh tế của mình do thái độ tiêu cực đối với nước này ở EU.
Malta, Slovenia và Slovakia cũng bỏ phiếu phản đối thuế quan đối với ô tô điện Trung Quốc. Trong khi đó, một số quốc gia khác, đáng chú ý trong đó là Thụy Điển, Tây Ban Nha, đã bỏ phiếu trắng. Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 9, Thủ tướng Pedro Sanchez đã kêu gọi EU không áp thuế đối với xe điện từ Trung Quốc.
Các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ bao gồm Pháp, Ý và Ba Lan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz hôm 2/10 rằng ông hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng thuế quan vì EU “phải bảo vệ một sân chơi bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp”. Ông cho biết các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho các nhà sản xuất ô tô điện đã dẫn đến “sự biến dạng” trên thị trường và nếu một sân chơi bình đẳng không được khôi phục, điều đó có thể gây nguy hiểm cho “sản xuất và duy trì sự hiện diện công nghiệp nội địa ở châu Âu”.
Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào?
Phòng Thương mại Trung Quốc của EU bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc” với kết quả bỏ phiếu hôm 4/10, gọi quyết định này là “các biện pháp bảo hộ thương mại”. Theo Global Times, Phòng Thương mại Trung Quốc kêu gọi EU tiếp cận vấn đề một cách thận trọng, trì hoãn việc áp thuế và “ưu tiên giải quyết các tranh chấp và căng thẳng thương mại thông qua tham vấn và đối thoại”. Ngược lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng “các hành vi bảo hộ” của EU đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO. Tuy nhiên, như AP lưu ý, EU và Trung Quốc còn 4 tuần nữa để đàm phán, vòng tham vấn tiếp theo sẽ bắt đầu vào ngày 7 tháng 10.
Giới chuyên gia phân tích châu Âu cảnh báo, Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách áp thuế đối với các sản phẩm của EU trong những tuần hoặc thậm chí vài ngày tới. Theo Victor Scheck, luật sư cấp cao tại Van Bael & Bellis (Brussels), nói với Euractiv: “Trước mắt, Trung Quốc có thể áp mức thuế mới đối với rượu mạnh, tiếp đó là đối với thịt lợn và các sản phẩm từ sữa”.
Vasily Kashin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Toàn diện của Trường Kinh tế Cao cấp Nga nhận định rằng, các hành động đáp trả từ Bắc Kinh sẽ không chỉ dừng lại ở thuế đối với các sản phẩm thực phẩm từ châu Âu, và các cuộc điều tra chống bán phá giá do Trung Quốc đưa ra chỉ là “những phát súng cảnh cáo”.
“Mặc dù khối lượng xuất khẩu xe điện sang EU hiện nay không lớn nhưng Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào sản xuất với hy vọng trong tương lai chúng sẽ trở thành động lực cho xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước phát triển. Bắc Kinh không chỉ đầu tư mạnh mẽ cho việc này, mà còn xây dựng lại ngành công nghiệp ô tô của mình theo hướng hiện đại hóa, và những biện pháp áp thuế từ Mỹ và EU có thể sẽ tác động tiêu cực đến kế hoạch của Trung Quốc. Rõ ràng, Bắc Kinh sẽ chuẩn bị một phản ứng tương xứng và cũng sẽ điều chỉnh một phần cách tiếp cận của mình trong quan hệ với châu Âu nói chung”, tờ RBC dẫn nhận định của chuyên gia Vasily Kashin.
Theo dự báo của chuyên gia Kashin, Trung Quốc sẽ phản ứng dựa trên nghiên cứu về cán cân quyền lực ở EU, giáng một đòn mạnh vào xuất khẩu của từng quốc gia. Đặc biệt, những biện pháp đáp trả đó có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp ô tô động cơ đốt trong truyền thống ở châu Âu, điều này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến Đức.
Có thể khẳng định, các mức thuế mới của EU đang phá hủy nền tảng hợp tác chiến lược giữa châu Âu và Trung Quốc. Sự mất niềm tin kinh doanh lẫn nhau giữa các bên trở nên “mãn tính”. Với tiềm lực kinh tế ngày càng lớn, Trung Quốc sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng, không chỉ để bảo vệ các nhà sản xuất ô tô điện trong nước, bảo đảm chính sách phát triển công nghiệp sản xuất ô tô đi đúng hướng, mà còn thể hiện uy tín trên trường quốc tế.
Với xu hướng này, thời gian tới Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều tiền hơn vào việc phát triển khoa học và công nghệ của mình, còn các nước phương Tây sẽ tiếp tục áp đặt các hạn chế bổ sung. Khi đó, một cuộc chiến thương mại hoàn toàn có thể sẽ xảy ra.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/chau-au-ap-thue-manh-xe-dien-trung-quoc-nguy-co-cuoc-chien-thuong-mai-moi-post315545.html