Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, sau khi thăm khám và khai thác bệnh sử, các bác sĩ được BN cho biết bản thân đã mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm, đa biến chứng, thoái hóa cột sống. Lý giải về những nốt mưng mủ dày phủ khắp vùng bụng và dọc hai cẳng chân, BN cho hay khoảng một tháng trước nhập viện, BN được người quen mách dùng ong châm giảm đau và người nhà BN đã mời thầy lang đến nhà “điều trị” giảm đau chân bằng cách cho… ong châm. Sau “điều trị”, tình trạng đau nhức chân tay, đi lại khó khăn của BN không thuyên giảm, thậm chí những nốt ong châm bị nhiễm trùng, sưng viêm.
Theo bác sĩ khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nội tiết T.Ư, BN đái tháo đường quản lý đường máu không tốt khiến đường máu cao, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, lâu lành nếu có vết thương. Do đó, với các nốt ong châm, BN bị bội nhiễm gây hoại tử các vùng mưng mủ là rất dễ xảy ra.
Về nguyên nhân dễ nhiễm trùng vết thương ở người mắc đái tháo đường, một chuyên gia về nội tiết – chuyển hóa của Bộ Y tế cho hay da là lớp bảo vệ tự nhiên các bộ phận bên trong cơ thể. Khi da bị tổn thương sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn bên ngoài xâm nhập và gây tình trạng nhiễm trùng; vùng da gần vết thương tấy đỏ, đau nhức, mưng mủ và tiết dịch nhầy có mùi khó chịu. Vết thương bị nhiễm trùng khó và lâu liền hơn. Ở BN đái tháo đường, đặc biệt các trường hợp không kiểm soát đường huyết tốt, có nguy cơ rất cao bị nhiễm trùng các vết thương. Nguyên nhân là đường huyết tăng cao ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng tuần hoàn (giảm dòng máu đến vết thương) và hệ miễn dịch.
Bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết T.Ư khuyến cáo người bệnh không tự ý điều trị triệu chứng bệnh bằng các biện pháp không được khoa học chứng minh. Đặc biệt, người mắc đái tháo đường cần tuân thủ điều trị để quản lý tốt đường máu, kiểm soát các nguy cơ biến chứng. BN hoặc người nhà có thể liên lạc số điện thoại 09679.0880 để được tư vấn về đái tháo đường.