Các nhà khoa học cảnh báo, trái đất đã vượt qua giới hạn an toàn đối với con người do nhiệt độ tăng, hệ thống nước bị gián đoạn và môi trường sống tự nhiên bị phá hủy. Tuyên bố này gióng hồi chuông báo động đối với tình trạng ô nhiễm môi trường trên hành tinh xanh.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Ủy ban Trái đất tiến hành và đăng trên tạp chí Nature, xác định các hoạt động của con người đã khiến 7/8 ranh giới trong hệ thống trái đất vượt quá giới hạn an toàn, đe dọa sức khỏe hành tinh và con người. Tám ranh giới trong hệ thống trái đất, được hình thành từ các quá trình phụ thuộc lẫn nhau để giữ cho hành tinh ổn định, gồm khí hậu, đa dạng sinh học, nước, hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng đất và tác động của phân bón và phun thuốc trừ sâu.
Theo truyền thống, các nhà nghiên cứu tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu hoặc sự mất đa dạng sinh học đối với hành tinh, song nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Ủy ban Trái đất nhằm xác định các giới hạn mà nếu vượt quá, con người sẽ hứng chịu thiệt hại đáng kể. Các thiệt hại này bao gồm việc tiếp cận không đầy đủ với nguồn nước sạch, an ninh lương thực không được bảo đảm và mất việc làm hoặc phải di dời do nhiệt độ tăng hoặc lũ lụt.
Ông Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) và là đồng tác giả của nghiên cứu, cảnh báo việc trái đất vượt quá hầu hết các ranh giới an toàn là rất đáng lo ngại, điều này không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu mà còn dẫn tới nguy cơ mất an ninh lương thực, chất lượng nước xấu đi, nguồn nước ngầm cạn kiệt và các điều kiện sinh kế tồi tệ hơn, đặc biệt đối với các nhóm người dễ bị tổn thương. Theo nghiên cứu trên, giới hạn an toàn đối với mức tăng nhiệt độ toàn cầu có tính đến tác động đối với hành tinh và con người là 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tuy nhiên mức tăng này hiện ở mức 1,1-1,20C.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các chính phủ trên thế giới cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức 20C và lý tưởng là 1,50C. Vượt qua mức tăng này sẽ tạo nên những thay đổi toàn cầu không thể đảo ngược. Các nhà nghiên cứu của Ủy ban Trái đất cho biết với việc nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C, hơn 200 triệu người sẽ phải chịu mức nhiệt độ trung bình hằng năm cao chưa từng có và hơn 500 triệu người phải đối mặt mực nước biển dâng. Nghiên cứu cũng kết luận việc sử dụng ni-tơ làm phân bón cần giảm một nửa để hạn chế sự phát triển quá mức của thực vật và tảo nở hoa trên mặt nước, đồng thời giảm lượng khí thải amoniac và ô-xít ni-tơ.
Theo chuyên gia Johan Rockstrom, tất cả ranh giới trong hệ thống trái đất được xác định trong nghiên cứu đều có mối liên hệ với nhau, nghĩa là việc vượt quá giới hạn an toàn trong một lĩnh vực có thể gây tác động trực tiếp đến những lĩnh vực khác. Ông Johan Rockstrom nhấn mạnh nếu muốn giải quyết khủng hoảng khí hậu, các ranh giới khác cũng cần được bảo vệ. Đồng tác giả của nghiên cứu trên, giáo sư Xuemei Bai thuộc Đại học quốc gia Australia nhấn mạnh thêm, nghiên cứu cho thấy việc bảo vệ hành tinh không thể tách rời khỏi sự thành công của các nền kinh tế, cộng đồng và xã hội.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu trong năm nay của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, 1% dân số giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon cao gấp hai lần so với 50% dân số nghèo nhất.
Nhằm góp phần giảm ô nhiễm môi trường, công ty khởi nghiệp Good-Edi của Australia tung ra thị trường một loại cốc đựng đồ uống làm bằng các nguyên liệu ăn được nhằm thay thế những chiếc cốc giấy tráng PE và cốc nhựa được sử dụng phổ biến ở các quán cà-phê. Sản phẩm này sử dụng hỗn hợp bột lúa mạch đen, lúa mì, yến mạch, đường, muối, dầu dừa và nước, có thể tự phân hủy sau 2-6 tuần và giúp cắt giảm công đoạn xử lý rác thải như chôn lấp hay đốt cháy, dùng được cho cả đồ uống nóng và lạnh./.
Theo Nhân Dân