Đến hộ bà Rơ Mah Neng, dân tộc Gia Rai ở làng Ô Rê 1, xã Ia Grăng, bà cho biết, năm 2019 gia đình bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) 50 triệu đồng thuộc chương trình hộ nghèo, đầu tư cải tạo và chăm sóc 600 cây cà phê. Năm 2023 gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng thuộc chương trình hộ mới thoát nghèo để tiếp tục cải tạo vườn cà phê. Đến nay, gia đình có trên 1.000 cây cà phê, ổn định thu nhập và đời sống.

Còn ông Trần Ngọc Minh ở làng Ô Pếch, xã Ia Pếch vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, đầu tư cải tạo vườn cà phê và trồng dâu nuôi tằm. Thu nhập bình quân hằng năm đã trừ chi phí còn khoảng 150 triệu đồng.

Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS. Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krái tâm sự: Chính quyền xã luôn chủ động trong công tác chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để triển khai cho vay các chương trình TDCS. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Chủ tịch UBND xã Ia Bă Nguyễn Xuân Bổn cho hay: Toàn xã có 8 thôn, làng, với 1.461 hộ, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 30%.  Năm 2023, tổng dư nợ TDCS tại xã trên 37,3 tỷ đồng với 859 khách hàng, thông qua 26 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân 43,4 triệu đồng/hộ. Trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, Hội Nông dân đạt dư nợ cao nhất với trên 15 tỷ  đồng. Nguốn vốn TDCS đã đến với 100% các thôn, làng,  đối tượng thụ hưởng đã sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả”.

 

Lãnh đạo NHCSXH Việt Nam kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai. Ảnh: Internet.

Ông Đào Lân Hưng, Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chia sẻ: Ia Grai có gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, TDCS được coi là “trụ cột” quan trọng, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng cuộc sống mới. Những năm qua, NHCSXH huyện Ia Grai đã chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, huyện Ia Grai đã có 31.527 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn TDCS đã giúp 12.206 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 1.444 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 2.245 lao động được tạo việc làm; 13 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 8.493 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 184 ngôi nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ổn định cuộc sống./.

Thanh Tùng