FDI giải ngân vào bất động sản giảm mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 so với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ.
Về vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản đạt 592,1 triệu USD (chiếm 6,3%). Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 938,6 triệu USD (chiếm 23,4%).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chỉ đạt 502,1 triệu USD (chiếm 5%), giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 881,3 triệu USD).
Cho tới nay, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng trong bối cảnh hiện tại, việc dòng vốn FDI giảm mạnh có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường đang chờ những tín hiệu tích cực.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện của FDI vào bất động sản trong nhiều năm qua đã khiến thị trường này có sự chuyển biến tích cực với việc xuất hiện nhiều loại hình, cải tiến mô hình vận hành trong các dự án. Vì vậy việc dòng tiền từ doanh nghiệp nước ngoài giải ngân vào thị trường có dấu hiệu giảm dần đang là một tín hiệu xấu. Bởi lẽ, đây được coi là một “chiếc phao cứu sinh” đối với nhiều doanh nghiệp trong nước đang trong giai đoạn khó khăn, thông qua những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Dữ liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó về nguồn tiền, đã phải tự cứu mình thông qua các thương vụ M&A. Tuy nhiên lại có rất ít nhà phát triển bất động sản trong nước còn khả năng thu xếp được dòng vốn để mua dự án, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, chi phí tài chính tăng cao. Vì vậy, các thương vụ lớn lên tới tỷ đô được kỳ vọng tăng từ dòng vốn ngoại.
Trong khi đó, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản lại tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mới chỉ đang trong quá trình thẩm định, đàm phán.
Nguyên nhân được chỉ ra là do các cuộc đàm phán ép giá chưa đi đến hồi kết. Các nhà đầu tư ngoại muốn mua những dự án có pháp lý tốt, vị trí đẹp, có tiềm năng trong tương lai nhưng với giá giảm lên tới 20%. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước lại không chấp nhận bán rẻ tài sản, thậm chí còn yêu cầu phải có lãi trong các thương vụ này, dẫn tới khó thỏa thuận thành công.
Ngoài ra, hiện tại thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại nhiều rào cản khiến hoạt động M&A chưa thể bứt phá, một lý do khiến nguồn vốn FDI giải ngân vào thị trường giảm dần. Trong đó, việc vướng mắc về pháp lý của các dự án là một trong những lý do lớn nhất khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy e ngại, chưa kể hiện tại thị trường vẫn đang ở giai đoạn thanh khoản thấp.
Cần nhanh chóng tháo gỡ nút thắt
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia của Savills Việt Nam cho rằng, để thu hút vốn FDI vào mảng bất động sản, Việt Nam vẫn phải xoay quanh các yếu tố như thúc đẩy hoàn thiện quy trình thủ tục pháp lý để đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ cho sản xuất, phục vụ cho sự phát triển của bất động sản, cải thiện nguồn nhân lực chất lượng để có thể hấp thụ được dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất…
Việt Nam là một trong những nền kinh tế có độ mở nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khi nền kinh tế càng phát triển, càng mở cửa nhanh, thì yêu cầu và tính cấp thiết của việc nâng cao những yếu tố như thủ tục hành chính, chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân sự sẽ càng quan trọng.
Cần xác định rằng, các cải tiến về quy trình, thủ tục hành chính phải được thực hiện trên thực tiễn, chứ không phải trên giấy tờ. Mức độ cạnh tranh của các nước trong khu vực đang rất khốc liệt, Việt Nam phải đẩy nhanh vấn đề này để kịp thời thu hút nguồn vốn FDI.
Các doanh nghiệp nước ngoài mới tham gia thị trường chỉ được thực hiện dự án sau khi đóng tiền sử dụng đất và có giấy phép xây dựng. Do đó, với những doanh nghiệp này, thủ tục pháp lý là điều quan trọng nhất để xem xét trước khi đầu tư. Bởi lẽ, quy trình thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề pháp lý hiện đang là nguyên nhân lớn nhất làm giảm sức hút của thị trường bất động sản Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vấn đề này được nhắc đến nhiều lần trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các hội nghị hay các cuộc họp “giải cứu” của Chính Phủ. Tuy nhiên cho tới nay, việc gỡ các nút thắt này vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu.
Để trở thành điểm thu hút đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Cần sớm cải thiện những điểm yếu đang tồn tại để thị trường bất động sản sớm được vực dậy sau những tháng ngày chìm trong khó khăn.