SGGP
Ngày 16-10, Israel chính thức bác bỏ các thông tin về lệnh ngừng bắn tạm thời diễn ra trong ngày trên Dải Gaza nhằm cho phép đưa hàng viện trợ vào vùng lãnh thổ này, cũng như mở đường cho các công dân nước ngoài rời khỏi dải đất này để đến Ai Cập.
Chưa từng có
Trước đó, truyền thông khu vực đưa tin Israel, Ai Cập và Mỹ đã nhất trí mở cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza trong một vài giờ ngày 16-10, để tạo điều kiện cho các công dân nước ngoài sơ tán cũng như để hàng hóa cứu trợ được đưa vào đây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, sau cuộc hội kiến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi ngày 16-10, khẳng định cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza sẽ được mở cửa trở lại nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo tại khu vực do phong trào Hamas kiểm soát này.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ các đoàn cứu trợ đã chờ đợi bên phía Ai Cập nhưng theo các nhân chứng, những đoàn xe này vẫn dừng tại thị trấn El-Arishm cách cửa khẩu Rafah 40km về phía Đông.
Công dân nước ngoài đổ về biên giới Gaza để chờ sang Ai Cập. Ảnh: TTXVN |
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho biết Dải Gaza đang cạn kiệt điện, nước và các nguồn cung thiết yếu khác. Người đứng đầu LHQ lưu ý các kho dự trữ thực phẩm, nước, vật tư y tế và nhiên liệu của LHQ tại các khu vực Ai Cập, Jordan, Bờ Tây và Israel có thể được chuyển đi trong vòng vài giờ, do đó các nhân viên cần được tạo điều kiện để có thể vận chuyển những hàng hóa này vào Gaza một cách suôn sẻ và an toàn.
Theo đó, ông Guterres kêu gọi Israel cho phép viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza và phong trào Hamas lập tức trả tự do cho tất cả những người đang bị bắt giữ. Theo người đứng đầu Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine tại vùng cận Đông của LHQ (UNRWA) Philippe Lazzarini, ước tính 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà ở trong tuần đầu tiên xung đột bùng phát ở Dải Gaza và con số này dự kiến tăng cao hơn trong thời gian tới. Quan chức của LHQ cũng cảnh báo Gaza đang phải đối mặt với “thảm họa nhân đạo chưa từng có” vì bị phong tỏa và đánh bom.
Chạy đua ngoại giao
Hiện các nước phương Tây cũng đang đẩy mạnh các nỗ lực ngoại giao ngăn chặn nguy cơ leo thang xung đột trong khu vực. Ngày 16-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã đến Tel Aviv như một phần của chuyến công du giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông sau chuyến thăm Saudi Arabia, Ai Cập và Qatar những ngày vừa qua. Theo kênh truyền hình NTV, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ đến Israel trong ngày 17-10.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã thảo luận về khả năng đưa ra nghị quyết về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, khi có tới 2 dự thảo được đưa ra xem xét. Một dự thảo nghị quyết do Nga đề xuất, kêu gọi các bên đạt được lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, cần duy trì lâu dài và tuân thủ hoàn toàn.
Dự thảo của Nga kêu gọi không cản trở công tác hỗ trợ nhân đạo tới Dải Gaza; đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và thù địch nhằm vào dân thường. Trong khi đó, Brazil – nước đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ, cũng đã đưa ra dự thảo nghị quyết riêng rẽ.
Để được thông qua, một nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận trong Hội đồng Bảo an LHQ gồm 15 thành viên và không có bất kỳ nước nào trong số 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga phủ quyết.