Theo ông Ngọ, ở Sóc Trăng, cụ thể là đoạn từ Trường Quân Sự Quân Khu 9 hướng về tỉnh Bạc Liêu, có nơi, nguồn nước ngầm nhiễm mặn được phát hiện ở độ sâu 500m. Hiện độ mặn đã trên 1‰.
“Nguồn nước ngầm nhiễm mặn xâm lấn dần, hướng về tỉnh Bạc Liêu. Nguồn nước này rất khó xử lý” – ông Ngọ nói.
Ông Ngọ cho biết, ở ĐBSCL, có 2 nguồn nước, gồm nước mặt trên các sông, kênh và nguồn nước ngầm. Hiện nay, ngoài xâm nhập mặn ở nguồn nước mặt thì nguồn nước ngầm cũng bị.
Do đó, ông Ngọ nhận định, nguồn nước ngầm “từng bước không còn tốt như chúng ta nghĩ”.
Về tình hình hạn mặn chung ở ĐBSCL, ông Lê Ngọc Quyền – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ TN&MT) cho biết, trong 10 năm gần đây, tình hình hạn mặn diễn ra khốc liệt. Từ nửa cuối tháng 12/2023 tới nay, khu vực ĐBSCL gần như không mưa, một số nơi có mưa nhưng lượng rất thấp.
Hiện các tỉnh Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… xâm nhập mặn diễn ra phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm (chỉ thấp hơn mùa khô năm 2016, 2020).
Theo ông Quyền, ngay từ tháng 9/2023, trước tình hình mưa lũ ở phía thượng nguồn, đơn vị đã theo dõi, cảnh báo sớm khu vực nào ở ĐBSCL chịu tác động để cung cấp thông tin sớm nhất có thể để đến với người dân, chính quyền địa phương để có kế hoạch trong sản xuất. Nhờ đó, một số địa phương đã chủ động xuống giống sớm, né mặn, tích trữ nước.
Ông Trần Bá Hoằng – Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NNPTNT) thì cho hay, dựa trên những dự báo sớm, dự báo chuyên ngành, Bộ NNPTNT và các địa phương đã có những chỉ đạo điều hành sản xuất hợp lý.
Đến thời điểm này, thiệt hại liên quan đến hạn hán, xâm nhập mặn chỉ xảy ra ở một số nơi do canh tác ngoài khuyến cáo. Còn toàn bộ diện tích 1,5 triệu ha lúa Đông Xuân đã thu hoạch, phần lớn đạt năng suất tốt, hiện còn 78.000ha đang trổ, có nguy cơ ảnh hưởng khoảng 20.000ha.
Theo TS Trần Hữu Hiệp – chuyên gia về kinh tế, nông nghiệp vùng đồng bằng ĐBSCL, nhiều năm qua, người dân đã chọn sống chung với hạn mặn nhưng tùy thời điểm nhận thức và có giải pháp thích ứng khác nhau.
Về giải pháp trong thời gian tới, ông Hiệp cho rằng, cần có dự báo sớm cho người dân tiếp cận, cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn.
Song song đó là xem hạn hán, xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ, chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt…