(LĐXH) – Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xem là “chìa khóa” bảo tồn, phát huy, giữ gìn làng nghề ẩm thực truyền thống ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Làng nghề ẩm thực truyền thống là nơi hội tụ những giá trị văn hóa, tinh hoa ẩm thực của dân tộc, đồng thời là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và quốc gia.
Tuy nhiên, trước những làn sóng hiện đại hóa và áp lực cạnh tranh từ thị trường ẩm thực hiện đại, các làng nghề này đang đối mặt không ít thách thức, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và áp lực cạnh tranh từ thị trường ẩm thực hiện đại.
Hà Nội có thế mạnh và tiềm năng về ẩm thực với rất nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng như: Xôi chè Phú Thượng, giò chả Ước Lễ, bánh cuốn Thanh Trì, cốm Mễ Trì… Phở Hà Nội vừa được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho điều này. Các chủ thể thực hành di sản văn hóa phi vật thể Phở Hà Nội là những người trao truyền qua nhiều thế hệ.
Họ vừa thực hành để mưu sinh vừa có sáng tạo và cá tính riêng trong việc gìn giữ truyền thống, để không bị thương mại hóa hoặc bị biến thành món ăn khác, tạo thành thương hiệu của chính mình. Ngoài phở, nghề ướp trà sen truyền thống ở Quảng An (Tây Hồ) cũng được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia…
Như vậy có thể thấy, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó, việc bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, nguồn nhân lực chất lượng cao đang có những khó khăn nhất định.
Không ít làng nghề, việc trao truyền nghề cho thế hệ kế cận có nguy cơ mai một. Tại các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, việc giảng dạy về ẩm thực cũng gặp không ít thách thức.
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao bảo tồn phát huy, gìn giữ làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề ẩm thực cần nhiều sự nỗ lực. Ngoài vai trò của nghệ nhân, đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền, cần chú trọng vào đào tạo; gìn giữ làng nghề truyền thống để truyền dạy là một trong những yếu tố quan trọng.
Ông Nguyễn Thường Quân, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và Việc làm đầu bếp Việt Nam chia sẻ, sáng tạo trong ẩm thực vẫn phải giữ được nét truyền thống; ẩm thực là phản ánh xã hội, phản ánh kinh tế, phản ánh công nghệ, phản ánh thái độ sống. Người lớn tuổi chọn cửa hàng phở quen, người trẻ tuổi lại tìm cái mới mẻ, tạo xu hướng…
Ông Quân khẳng định những gì thuộc về lịch sử, văn hóa thì phải gìn giữ, song vẫn cần sự phát triển phù hợp đảm bảo sự văn minh trong ăn uống, thưởng thức. Việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hóa còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành.
Trong đó có vấn đề nhân lực. Các làng nghề ẩm thực truyền thống cần phải nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, đóng gói, xây dựng nhận diện thương hiệu tốt.
Theo MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải, món ăn Hà Nội thể hiện được hồn cốt của người Thủ đô. Phải đặt văn hóa vào món ăn để tạo nên sự tinh tế. Muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải có nguồn lực mạnh. Đối với ngành ẩm thực, việc đào tạo này cần có những phương pháp đặc biệt. Đó là phương pháp ngay trong gia đình, từ mâm cơm hàng ngày.
Món ăn cần có sự truyền dạy từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Có nền móng tốt, việc đào tạo ở trường lớp mới có thể phát huy và tạo ra đầu bếp giỏi. “Trong trường lớp cần phải đào tạo bài bản từ món ăn truyền thống để người học có cái gốc, từ đó mới phát triển ra cái hiện đại, cái sáng tạo”, MasterChef Việt Nam Phạm Tuấn Hải nhấn mạnh.
Để phát huy các làng nghề ẩm thực truyền thống, nhiều chuyên gia cho rằng, ẩm thực là văn hóa, vì thế các làng nghề cần giữ gìn truyền thống, lịch sử làm nghề nhiều đời, khơi gợi cảm hứng cho thế hệ trẻ, tổ chức trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ sau.
Và đặc biệt, các làng nghề cần chú trọng khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông số, mạng xã hội, đưa làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn.
Duy Linh
Báo Lao động và Xã hội số 152
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-chia-khoa-vang-cho-lang-nghe-am-thuc-20241219111542070.htm