Đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, tôn giáo là nguồn lực nội sinh có ý nghĩa rất quan trọng để tìm “mẫu số chung” của khối đại đoàn kết dân tộc, nhất là trong thời kỳ hội nhập toàn diện với khu vực và cộng đồng quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” nhằm giúp độc giả trong và ngoài nước hiểu rõ và đầy đủ về chính sách tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta. (Ảnh: Vinh Hà) |
Phát huy những điểm tương đồng, hướng về mục tiêu chung của công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế không thể không huy động sức mạnh tiềm năng của đồng bào các tôn giáo, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng đồng bào các tôn giáo cảnh giác, đấu tranh chống các thế lực lợi dụng tôn giáo gây mất đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Để phát huy được những “điểm tương đồng” đòi hỏi cả hệ thống chính trị các cấp phải kết hợp một cách biện chứng giữa lợi ích chung của sự phát triển đất nước, với lợi ích cụ thể của đồng bào có đạo trên cả hai mặt đời sống vật chất và đời sống tinh thần, trong đó có nhu cầu về đời sống tâm linh tôn giáo.
Đây chính là động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào các tôn giáo nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng phù hợp với phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc, tuân thủ pháp luật của các tôn giáo. Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, đa dân tộc, có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo và yếu tố tôn giáo, dân tộc đan xen.
Trong lịch sử cách mạng dân tộc, dân chủ thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, các chức sắc, tín đồ các tôn giáo đã có nhiều công lao trong việc vận động tín đồ tham gia đóng góp tích cực trong công cuộc giành độc lập dân tộc, tự do cho Nhân dân, hạnh phúc cho đồng bào cả nước.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp Nhân dân, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tập hợp, đoàn kết của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác đối với tôn giáo, trong đó nổi bật là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành năm 2016, tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán nhằm bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây là điều kiện cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền, nghĩa vụ công dân, tương thích với luật pháp quốc tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy khi hàng triệu chức sắc, tín đồ tôn giáo đã đồng lòng, đoàn kết tạo nên thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ khi thành lập đến nay.
Để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, hoàn thiện, thể chế hóa sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, quá trình xây dựng dự thảo Luật, Nghị định…, những góp ý của các chức sắc, tín đồ các tôn giáo vào các dự thảo đã đã được ghi nhận và tôn trọng. Việc phổ biến Luật, Nghị định từ cấp Trung ương đến cơ sở đãđược đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi đón nhận.
Cộng đồng quốc tế cũng đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật, phù hợp với công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, rút ngắn thời gian công nhận tổ chức tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm, lần đầu tiên đã xác nhận pháp nhân phi thương mại của tổ chức tôn giáo…Do đó, các tổ chức tôn giáo có điều kiện mở rộng tổ chức và hoạt động của mình trên phạm vi cả trong nước và ngoài nước.
Theo thống kê mới nhất của Ban Tôn giáo Chính phủ, trước khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, cả nước có 6 tôn giáo, 13 tổ chức tôn giáo, với 20.929 cơ sở thờ tự tôn giáo, 34.181 chức sắc, 78.913 chức việc, 17,4 triệu tín đồ.
Từ sau khi có Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (từ 2004 đến 2018), cả nước có 15 tôn giáo, với 41 tổ chức, với 29,977 cơ sở thờ tự; 133.662 chức việc, 24,7 triệu tín đồ theo tín ngưỡng, tôn giáo. Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực đến nay, Việt Nam có khoảng 27 triệu tín đồ (chiếm 28% dân số), với 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động, với khoảng gần 60 ngàn chức sắc, gần 150 ngàn chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự.
So sánh các số liệu cho thấy, số lượng tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và số lượng chức sắc, tín đồ tăng lên nhanh chóng sau 8 năm thực hiện Pháp lệnh. Điều đó khẳng định quyền tự do tôn giáo của người dân luôn được bảo đảm trên thực tế.
Các địa phương có đông chức sắc và tín đồ sinh sống đã được tạo điều kiện cấp hàng trăm ha đất để các tổ chức tôn giáo xây dựng cơ sở thờ tự, cụ thể như: Thành phố Hồ Chí Minh giao 7.500m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học. Tỉnh Đắk Lắk đã giao hơn 11.000m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột. Tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha đất cho Giáo xứ La Vang…
Chính quyền các cấp ở các địa phương đã giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của chức sắc, tín đồ theo cơ chế dịch vụ công trực tuyến một cửa, công khai minh bạch, nhanh gọn các thủ tục liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
Các ngày lễ lớn của của các tôn giáo như lễ Noel của Đạo Công giáo, Tin Lành; Lễ Phật đản của Phật giáo và một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn diễn ra như lễ hội Chùa Hương, lễ hội Bà Chúa Sứ, lễ hội Chol Chnam Thmay, Dolta… của đồng bào Khmer… đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc gửi thư chúc mừng và tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, động viên.
Các địa phương đã tạo điều kiện giúp đỡ, hướng dẫn để các tín đồ, chức sắc tôn giáo tổ chức bảo đảm yêu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; bảo đảm vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự, đã thu hút hàng triệu đồng bào và tín đồ tôn giáo trong và ngoài nước tham gia, nhất là các lễ hội tôn giáo với quy mô lớn như Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak; Lễ kỷ niệm 500 năm Đạo Tin lành đến Việt Nam… là những minh chứng sinh động về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc đối với quyền tự do, tín ngưỡng của công dân có tín ngưỡng tôn giáo cũng như không tín ngưỡng tôn giáo; không thành kiến với các tôn giáo, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của thế lực thù địch về tình hình nhân quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Tết Chol Chnam Thmay là lễ hội lớn nhất và mang tính tổng hợp nhất của đồng bào Khmer. (Nguồn: TTXVN) |
Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc
Tuy nhiên, tín ngưỡng, tôn giáo là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, các thế lực thù địch luôn coi tôn giáo là lực lượng tiên phong, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nên đã tích cực ủng hộ một số đối tượng chức sắc cực đoan trong các tôn giáo đối lập, đi ngược lại quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, lợi dụng một số chức sắc, tín đồ bất mãn với chính quyền làm “ngòi nổ” để kích động chống đối đối nhân quyền, đòi dân chủ, đòi tự do tín ngưỡng tôn giáo với mục đích xóa bỏ nền độc lập dân tộc mà Nhân dân ta đã tốn bao nhiêu xương máu mới giành được.
Hiện nay, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, trong đó không ít kẻ “khoác áo chức sắc” của các tổ chức tôn giáo tập hợp tín đồ, tìm mọi cách chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tuyên truyền những luận điệu sai trái, vu cáo Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước và Mặt trận tổ quốc với đồng bào có đạo.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tầng lớp Nhân dân, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự tập hợp, đoàn kết của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác đối với tôn giáo, trong đó nổi bật là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành năm 2018, tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán nhằm bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Mỗi khi Nhà nước sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động quản lý xã hội như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật An ninh mạng… các thế lực thù địch, trong đó không ít các chức sắc cực đoan, lại xưng danh “ngọn cờ đấu tranh dân chủ” để lôi kéo một bộ phận Nhân dân “nhẹ dạ, cả tin” và lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng tín đồ để kích động hoạt động chống Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước của hơn 96 triệu đồng bào ở trong nước và hơn 5,3 triệu đồng bào ở nước ngoài tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, sự đồng tâm, hiệp lực của hơn 27 triệu tín đồ các tôn giáo cũng sẽ góp phần xây dựng “giang sơn, đất nước” giàu mạnh “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện được mục tiếu đó, hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến cơ sở cần thực hiện tốt những nội dung sau:
Thực hiện nhất quán các chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước đối với công tác tôn giáo trên cơ sở quan tâm nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân và chủ động đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của Nhân dân, tạo điều kiện cho các tôn giáo chăm lo đời sống sinh hoạt của tín đồ, mặt khác đưa sinh hoạt tôn giáo vào khuôn khổ quản lý nhà nước, góp phần loại bỏ các tổ chức bất hợp pháp lợi dụng tôn giáo, làm lành mạnh hóa sinh hoạt của các tổ chức tôn giáo.
Giải quyết đúng đắn và bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của quần chúng là làm cho đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chế độ và sự nghiệp đổi mới đất nước, hiểu rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao cảnh giác để chức sắc, tín đồ tự giác đấu tranh chống lại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng chính đáng của các tôn giáo và bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Chức sắc, tín đồ tôn giáo là một đối tượng quần chúng đặc thù, mối quan hệ giữa công dân với tín đồ luôn quyện chặt vào nhau, bổ sung cho nhau không thể tách rời và luôn hướng tới phương châm “tốt đời, đẹp đạo”.
Do đó, phải tuyên truyền, vận động cho chức sắc, tín đồ hiểu rõ được quyền lợi và nghĩa vụ công dân, trong đó coi trọng nghĩa vụ với quê hương, đất nước và bổn phận với đạo, với giáo hội của mình, tạo điều kiện để đồng bào có đạo tích cực tham gia xây dựng cuộc sống, góp phần cùng toàn dân thực hiện thắng lợi mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Tăng cường công tác phối hợp, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo để giải quyết thấu đáo các mối quan hệ liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo theo từng giới, từng lứa tuổi tham gia các đoàn thể chính trị – xã hội, các đoàn thể xã hội và các hội quần chúng phù hợp với phương hướng hành đạo của từng tổ chức tôn giáo.
(*) Phó trưởng Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam