(HGO) – Ngày 12-5, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ”. Tham dự có ông Đỗ Ngọc An, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; TS. Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng đại diện các đại học, trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường cao đẳng, trường trung cấp trong cả nước.
Hội thảo khoa học quốc gia kỳ vọng góp phần giúp tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học.
Tại hội thảo lần này, đại biểu đã được nghe các tham luận và cùng nhau thảo luận về những vấn đề về cơ chế, chính sách cần hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi vào việc đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ; chuyển đổi giáo dục đến năm 2030 thách thức về chính sách và tài chính, vai trò của nhà nước và xã hội; nguồn lực tài chính cho trường đại học nhìn từ cơ chế thu, chi; đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam gắn với phát triển kinh tế – xã hội; nguồn lực công nghệ cao cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ; khoảng trống nguồn lực đầu tư về khoa học mở cho giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ…
PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, điều này đã được nhấn mạnh trong rất nhiều nhiệm kỳ của Đại hội Đảng. Giáo dục đại học có vai trò hết sức quan trọng, phát triển giáo dục đại học chính là góp phần quyết định phát triển nguồn nhân lực cũng như phát triển khoa học công nghệ, tăng khả năng, năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đặt ra một số vấn đề cần quan tâm trong việc khai thác nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học: Thứ nhất là nguồn lực lấy từ đâu?, nguồn lực từ Nhà nước hay nguồn lực từ xã hội. Thứ hai là nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam đang ở mức độ như thế nào?, cần phải tăng mức đầu tư thế nào để đáp ứng yêu cầu mục tiêu đặt ra để đến năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 thành nước có thu nhập cao. Mục tiêu 260 sinh viên/vạn dân và để giáo dục đại học Việt Nam nằm trong 10 nước có nền giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á. Vấn đề thứ ba là ưu tiên nguồn lực đầu tư vào đâu?, dù có tăng nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, từ xã hội đến đâu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ đáp ứng được yêu cầu phát triển như vậy, cần phải xác định rõ những lĩnh vực cần phải ưu tiên, các trình độ của giáo dục đại học cần phải ưu tiên…
Tin, ảnh: MỸ XUYÊN