Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), chốt ngày giao dịch đầu tuần (13/11), thị trường cà phê tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đóng cửa, giá cà phê tăng lần lượt 1,55% với Arabica và 3,39% với Robusta. Lo ngại nguồn cung thắt chặt trở thành yếu tố dẫn dắt giá.
Giá cà phê tiếp tục duy trì đà tăng |
Trong báo cáo chốt ngày 13/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở hàng hoá liên lục địa (ICE-US) tiếp tục neo ở mức thấp nhất hơn 24 năm với 302.235 bao loại 60kg. MXV cho biết khó khăn trong quy định chấp nhận hàng tồn kho mới của Sở ICE-US, nguồn cung ngắn hạn thắt chặt đã khiến lượng cà phê đang lưu trữ chưa thể đảo chiều tăng.
Hơn nữa, nắng nóng kỷ lục tại Brazil với nhiệt độ lên tới 40 độ C tại vùng trồng cà phê chính, khiến chuyên gia lo ngại sản lượng sẽ bị sụt giảm từ đó khiến nguồn cung niên vụ 2024/25 bị thu hẹp.
Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ bất ngờ tăng mạnh 1.200 đồng/kg, đưa giá thu mua cà phê trong nước lên mức 58.700 – 59.400 đồng/kg, cao hơn khoảng 400 – 500 đồng/kg so với hồi đầu tháng 11.
Về xuất khẩu cà phê, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục đạt mức thấp 43,72 nghìn tấn, trị giá 157,55 triệu USD, giảm 14,2% về lượng và giảm 6,6% về trị giá so với tháng 9/2023, so với tháng 10/2022 giảm 48,8% về lượng và giảm 28,0% về trị giá.
Tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,29 triệu tấn, trị giá 3,28 tỷ USD, giảm 10,7% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung tại Việt Nam suy yếu là một trong những nguyên nhân đẩy giá cà phê lên mức cao |
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, do trong nước không còn hàng để xuất khẩu. Trước đó, xuất khẩu tháng 9/2023 cũng chỉ đạt xấp xỉ 51.000 tấn, trị giá khoảng 169 triệu USD, giảm hơn 48% về lượng và hơn 28% trị giá so với tháng 9/2022.
Tính toàn niên vụ 2022/2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn (khoảng hơn 27,7 triệu bao, 60kg/bao), giảm 4,5% so với niên vụ 2021/2022. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng 3,4% lên mức 4,08 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Đây là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay.
Đáng chú ý, do nguồn cung sụt giảm nên trong niên vụ 2022/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 102.100 tấn cà phê từ các nước trên thế giới, với giá trị gần 300 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu cà phê nhân trong niên vụ 2022/2023 là 98.600 tấn, giá trị lên tới 246 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch so với niên vụ 2021/2022. Còn nhập khẩu cà phê chế biến trong niên vụ 2022/2023 khoảng 3.500 tấn, giá trị hơn 53 triệu USD, giảm 46% về khối lượng và giảm 29% về giá trị so với niên vụ 2021/2022.
Lý giải nguyên nhân các đơn hàng nhập khẩu tăng cao, ông Hải cho biết, do sản lượng cà phê thu hoạch của nước ta trong niên vụ vừa qua giảm sâu, không đủ đáp ứng cho xuất khẩu. Vì vậy, các thương nhân phải tăng cường nhập khẩu cà phê thô về phục vụ chế biến xuất khẩu. Chẳng hạn như cà phê nhân, Việt Nam nhập khẩu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê Arabica. Việt Nam nhập loại cà phê này từ Lào do giá bán của họ thấp hơn ở Việt Nam.
VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023 – 2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước. Một số địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Sơn La sẽ thu hoạch cà phê sớm hơn vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 và thu hoạch rộ cuối tháng 12 và tháng 12/2023. Nguồn cung suy giảm sẽ tiếp tục là động lực đẩy giá xuất khẩu cà phê lên cao.
Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800.000ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, đạt từ 1,75 – 1,85 triệu tấn.