Theo số liệu mới đây của Tổng Cục Thống kê (GSO), tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam là 5,1%. Kết quả này cao hơn đáng kể so với 2 năm đại dịch COVID-19 (2020 – 2021), tuy nhiên thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 8% của năm 2022.
Điểm sáng của kinh tế Việt Nam đó là sự bứt phá trong giai đoạn nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu tăng trưởng khác như FDI, hay chỉ số niềm tin kinh doanh của Việt Nam vẫn đang ở mức cao.
Các chuyên gia của Savills dự báo hoạt động đầu tư sẽ sôi động trở lại vào quý III/2024 với sự phục hồi được thúc đẩy bởi các thị trường lớn như Mỹ và Anh.
Về thị trường bất động sản, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa được cải thiện nhiều, nhất là phân khúc nhà ở.
Về phân khúc căn hộ, tại Hà Nội, trong năm 2023, lượng căn hộ sơ cấp đạt hơn 11.900 căn, giảm 41% so với năm ngoái. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 58 triệu đồng/m2, tăng 7% theo quý và 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá mở bán trung bình tại thị trường này đã tăng trong 20 quý liên tiếp.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Dịch vụ tư vấn Savills Hà Nội, thị trường đang chứng kiến một sự mất cân đối giữa nguồn cầu và nguồn cung căn hộ tại Hà Nội, đặc biệt với các sản phẩm ở phân khúc vừa túi tiền. Tuyến metro và các đường vành đai khi được hoàn thiện sẽ thúc đẩy xu hướng dịch chuyển dần ra ngoài trung tâm.
Trong khi đó, tại TP.HCM, nguồn cung sơ cấp liên tục trên đà giảm kể từ 2017. Trong quý IV/2023, nguồn cung sơ cấp đạt 7.600 căn hộ, giảm 5% theo năm.
Điều đáng nói, giá bán sơ cấp trung bình trong quý tại TP.HCM bất ngờ giảm và quay về mức của năm 2020 với 69 triệu đồng/m2 thông thủy, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Giang Huỳnh, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận nghiên cứu và S22M nhận định: Nguồn cung bất động sản nhà ở tại TP.HCM hiện nay đang rất thấp, đặc biệt đối với thị trường hơn 10 triệu dân.
“Theo báo cáo thị trường quý IV/2023 của Savills, tại TP.HCM, lợi nhuận từ đầu tư căn hộ đã giảm nhẹ trong khoảng 5 năm qua, tuy nhiên vẫn cao hơn mức lãi suất gửi ngân hàng. Do đó, căn hộ tiếp tục được xem là một kênh đầu tư có lời”, bà Huỳnh nói.
Đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tại Hà Nội, nguồn cung sơ cấp biệt thự/nhà liền kề đạt 710 căn đến từ 16 dự án, giảm 23% theo năm. Nguồn cung hạn chế với hàng tồn kho giá cao đã làm ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ hấp thụ của thị trường.
Tại Hà Nội, quý IV vừa qua ghi nhận lượng bán giảm 37% theo quý và 67% theo năm với 64 căn. Tỷ lệ hấp thụ trong quý chỉ đạt 9%, giảm 5 điểm phần trăm theo quý và 12 điểm phần trăm theo năm.
Mặc dù đã tăng nhẹ 1% theo quý và 10% so với cùng kỳ 2022, trong quý cuối năm 2023, nguồn cung biệt thự/nhà liền kề sơ cấp tại TP.HCM tiếp tục ở mức thấp với chỉ 771 căn.
Tình hình hoạt động của dòng sản phẩm này cũng ẩm đạm, lượng bán hàng trong quý đạt 64 căn, bằng với Q3.2023 nhưng giảm 24% theo năm. Tỷ lệ hấp thụ duy trì ở mức 8%, bằng so với quý trước nhưng giảm 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022.
Nguồn cung hạn chế cùng mức giá ngày càng cao so với mức chi trả của người dân tại Hà Nội và TP.HCM đang thúc đẩy sự hấp dẫn của các thành phố vệ tinh.
Cùng sự hỗ trợ của mạng lưới dự án đường vành đai tại Hà Nội và TP.HCM, các khu vực này đang trở nên thu hút người mua bất động nhờ khả năng kết nối thuận tiện, các sản phẩm đa dạng và giá phải chăng hơn.
Từ năm 2024 đến năm 2026, các quận, huyện vùng ven sẽ đóng góp 74% nguồn cung nhà liền thổ mới tại Hà Nội và 75% tại TP.HCM.
Nhận định về tổng quan thị trường bất động sản nhà ở, bà Huỳnh cho rằng, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM thường xuyên ở mức thấp và nhiều người không thể tiếp cận được giá nhà ở. Điều này đang đẩy nhu cầu sang các tỉnh lân cận.
“Triển vọng cho phân khúc thương mại tại cả Hà Nội và TP.HCM vẫn rất lạc quan, với dự báo nhu cầu sẽ hỗ trợ cho nguồn cung tương lai. Nguồn cung văn phòng tại Việt Nam ngày càng “xanh”, hầu hết các dự án mới từ nay đến năm 2026 đều sẽ đạt các chứng chỉ xanh”, bà Giang nói thêm.