Tết của người Việt tại tâm chấn động đất
Sau giờ làm chiều 9/2 (30 Tết), Nguyễn Ngọc Tài (24 tuổi), sống tại thành phố Nanao (tỉnh Ishikawa, Nhật Bản) bắt chuyến tàu đến địa điểm tổ chức chương trình giao thừa cách nhà 12km.
Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Ishikawa bị ảnh hưởng bởi trận động đất 7,6 độ hồi đầu tháng 1. Mất mát tài sản và tổn thương tâm lý quá lớn khiến nhiều người Việt tại Nhật không còn tâm trạng đón Tết.
“Chúng tôi ngồi lại nói với nhau về công việc, cùng động viên vượt qua khó khăn. Buổi gặp gỡ rất xúc động”, Tài nói.
Đón Tết xa nhà bên cạnh 70 đồng hương, chàng trai Việt cho hay những dịp như thế này giúp anh và cộng đồng vơi bớt nỗi nhớ nhà.
“Dù đường xa, đi tàu mất nửa tiếng, nhưng chúng tôi trân trọng dịp gặp mặt cuối năm, vẫn giữ nét truyền thống của quê hương”, anh nói.
Trước đây, Tài sinh sống và làm việc tại thành phố Wajima (tỉnh Ishikawa) – nơi được xác định là tâm chấn động đất.
Rung lắc mạnh đã “san phẳng” nhà của Tài và các thực tập sinh khác, sập trơ khung, tường thạch cao đổ nát, mái bị tốc hết. Hai đường cao tốc dẫn vào thành phố đều bị hư hỏng nghiêm trọng biến Wajima trở thành “ốc đảo cô lập”.
Ba ngày liên tiếp, anh rơi vào tình trạng thiếu nước sạch và lương thực, các nhóm cứu trợ của cộng đồng người Việt tại Nhật Bản không thể tiếp cận khu vực sâu trong thành phố Wajima do quân đội chặn đường triển khai cứu hộ.
Ngày thứ 4, Tài sơ tán sang thành phố Kanazawa cùng những người khác trong công ty. Đoạn đường từ Wajima đến Kanazawa bình thường chỉ mất 45 phút hoặc 1 tiếng, hôm đó kéo dài gấp 10 lần.
Tại chỗ lánh nạn mới, anh được tắm và uống nước sạch, dần ổn định tinh thần, song nói “mờ mịt về tương lai”, không biết khi nào mới có thể quay về nhà.
Cách đây một tuần, công ty chuyển Tài và hai thực tập sinh khác đến thành phố Nanao để dần ổn định cuộc sống và công việc.
“Chúng tôi cầu chúc năm mới nhiều sức khỏe, công việc thuận lợi, mạnh mẽ đứng dậy sau thảm họa động đất”, Tài tâm sự.
Ngọc Tài cùng 70 người Việt tại Ishikawa tham gia chương trình giao thừa 2024 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Du học sinh Việt đón Tết tại Nga
Du học sinh Việt Nam tại trường P.E.Lumumba, Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga cùng nhau đón Tết xa quê với chương trình “Tết nhà mình”.
Chương trình tạo ra một không gian ấm cúng cho các du học sinh Việt đón Tết. Các sinh viên đã cùng nhau ăn một bữa cơm gia đình, cùng hát những ca khúc đón xuân vui nhộn.
Tham gia tiết mục múa lân lần đầu tiên xuất hiện tại trường P.E.Lumumba, hay những giây phút trả lời câu hỏi về 63 tỉnh thành sôi nổi, hồi hộp khi dò số lô tô…
Người Việt ở Úc đón giao thừa sớm
Tối 30 Tết, hòa cùng không khí của cộng đồng người Việt ở Brisbane (Queensland, Úc), gia đình chị Thái Hà (37 tuổi) tham gia các hoạt động đón giao thừa Tết Giáp Thìn 2024 tại một ngôi chùa địa phương. Con gái chị Hà mặc áo dài truyền thống của người Việt háo hức xem múa lân, pháo hoa.
Do chênh lệch múi giờ nên chị Hà đón giao thừa trước Việt Nam 3 tiếng (lúc 21h Việt Nam).
“Dù vẫn phải đi làm theo Dương lịch như người Úc nhưng chúng tôi vẫn rất chăm chút cho Tết cổ truyền. Đêm giao thừa, mọi người thường cho trẻ em mặc áo dài, đi lễ chùa. Chúng tôi ý thức rằng càng xa quê thì càng phải cùng nhau giữ gìn văn hóa”, chị Hà chia sẻ về năm thứ 8 đón Tết tại Úc.
Thời khắc đón năm mới, chị Hà cầu chúc hai bên gia đình ở Việt Nam và ở Úc dồi dào sức khỏe và gặp thật nhiều may mắn, thành công.
“Năm nay là năm con rồng nên tôi tin sẽ có thật nhiều may mắn, thịnh vượng, tài lộc tới tất cả mọi người”, người phụ nữ Việt nói.
Bà chủ Việt làm mâm cơm Việt đãi 30 người đón Tết
Chị Bùi Thu, chủ quán ăn “Hello Việt Nam” tại Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức bữa tiệc tất niên tại nhà hàng với sự tham gia của hơn 30 người con xa xứ gồm lao động Việt Nam và du học sinh. Đây cũng là quán ăn Việt duy nhất liên tiếp 2 năm vinh dự đạt sao Michelin tại Đài Loan.
Bữa ăn gồm rất nhiều món truyền thống của người Việt như nem rán, bánh chưng, măng nấu chân giò, giò lụa…
Trong không khí đầm ấm, chị Thu còn tặng mỗi người phong bao lì xì đỏ để lấy may. Anh Trung, 21 tuổi, một người con xa xứ lần đầu không được về quê ăn Tết, xúc động khi được dự tiệc. Anh cho biết bữa tiệc ấm cúng giúp anh phần nào vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.