(Dân trí) – Gia đình 4 người vừa chạy xuống hầm hơn 10 giây, chị Kim nghe một tiếng nổ rất lớn trên không trung. Chị Kim và người dân thành phố Tel Aviv bắt đầu ngày mới bằng cuộc chạy loạn khi nghe báo động.
Căng thẳng leo thang, sẵn sàng chạy loạn
Sáng sớm, đang say giấc, chị Kim Golbari (ở Tel Aviv, Israel) bất ngờ nghe tiếng còi báo động rú inh ỏi. Theo phản xạ, chị và chồng vùng dậy bế thốc đứa con đang ngủ lao ra khỏi nhà. Cả hai kéo theo cậu con trai lớn chạy thang bộ xuống dưới sảnh và di chuyển thật nhanh tới hầm trú ẩn của tòa nhà bên cạnh.
Mỗi giây lúc ấy đều đáng quý nên chị Kim chẳng kịp mặc thêm đồ cho con trai út ngoài chiếc bỉm đã đóng từ đêm hôm trước. Cậu bé 3 tuổi bị đánh thức đột ngột bỗng òa khóc, người mẹ vừa ôm con chạy, vừa dỗ dành.
Tại hầm trú ẩn, người dân xung quanh cũng hớt hải chạy tới, gương mặt còn ngái ngủ, quần áo xộc xệch, có người không kịp đeo giầy dép, phải đi chân đất.
“Khi gia đình 4 người của tôi vừa chạy xuống hầm được hơn 10 giây thì nghe một tiếng nổ rất lớn trên không trung. Ai nấy đều bàng hoàng thắc mắc, không nghĩ Hezbollah lại tấn công sâu tới như vậy”, chị Kim chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Hầm trú ẩn nơi chị Kim và gia đình tránh trú khi có còi báo động (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Sáng 25/9, người dân ở Tel Aviv bị đánh thức bởi tiếng còi báo động. Lực lượng Hezbollah Li Băng đã phóng một tên lửa đạn đạo nhằm vào trụ sở cơ quan tình báo Mossad ở ngoại ô thành phố Tel Aviv của Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sau đó thông báo đã đánh chặn tên lửa phóng từ Li Băng, khi còi báo động vang lên ở khu vực Tel Aviv và Netanya.
Phía Israel cũng xác nhận đây là lần đầu tiên tên lửa Hezbollah bay tới khu vực Tel Aviv, đánh dấu bước leo thang mới trong xung đột. Tel Aviv nằm ở miền Trung Israel, là trung tâm kinh tế và công nghệ của đất nước này.
Các cuộc tấn công qua lại trả đũa lẫn nhau với cường độ và quy mô ngày càng lớn khiến tình hình xung đột giữa Israel và Li Băng trở nên phức tạp. Cuộc sống của những người dân nơi đây nói chung và người Việt tại Israel nói riêng ít nhiều bị xáo trộn.
Chị Kim (quê Đồng Nai, sinh sống ở Israel 15 năm) chia sẻ, mấy ngày nay, chị thường xuyên cập nhật tin tức về cuộc giao tranh và luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chạy loạn.
Đề phòng những cuộc tấn công bất ngờ lúc đêm hay sáng sớm, vợ chồng chị mặc trang phục nghiêm túc thay vì những bộ đồ ngủ thoải mái. Điện thoại được đặt sát bên cạnh để nhận thông báo và mang theo xuống hầm trú ẩn.
“Khi phát hiện có tên lửa hoặc máy bay không người lái, điện thoại hoặc tivi (nếu đang bật) sẽ lập tức hiện thông báo, còi báo động cũng sẽ kêu trước khoảng 90 giây.
Tuy nhiên, cũng có những khi hệ thống phát hiện muộn, chỉ mấy chục giây các vũ khí tấn công đã phát nổ. Nếu hệ thống phòng không cản phá được thì sẽ xảy ra vụ nổ trên không, còn nếu không cản phá được để trúng mục tiêu dưới mặt đất thì sẽ gây thiệt hại về người, nhà cửa…”, chị Kim kể.
Theo chị Kim, mấy ngày trước, chính phủ đã cảnh báo người dân cả nước nâng cao cảnh giác, chuẩn bị cho những ngày thách thức. Các thành phố phía Bắc cách biên giới 40-50km được yêu cầu thực hiện các biện pháp an toàn như không cho trẻ đến trường, không tập trung đông người…
Nơi chị Kim sinh sống cách biên giới phía Bắc khoảng 200km hiện tại chưa chịu nhiều ảnh hưởng ngoài vụ tấn công sáng 25/9. Tuy vậy, chị Kim và gia đình vẫn nâng cao cảnh giác, sắp xếp sinh hoạt, công việc cho phù hợp với tình hình.
Đường phố Tel Aviv những ngày này vắng vẻ hơn, không còn tình trạng kẹt xe giờ cao điểm như trước đây. Các bãi biển, khu chợ thường ngày đông đúc cũng thưa thớt hơn. Chị Kim dặn dò con trai lớn thật kỹ về kỹ năng tránh trú nếu không may xảy ra tấn công ở trường hoặc khi di chuyển trên đường.
Sinh sống ở đất nước là “điểm nóng” về giao tranh, chị Kim buộc phải làm quen với những tình huống căng thẳng. Dẫu vậy, chị vẫn ám ảnh về những vụ tấn công của lực lượng Hamas hay các xung đột quân sự khác tại Tel Aviv.
Chị kể: “Có lần, tên lửa rơi gần nhà tôi, làm hư hỏng 80 căn hộ. Cách đây vài tháng, máy bay không người lái đã đâm vào tòa nhà gần nơi tôi làm việc khiến 1 người chết, các căn hộ bị bể nát. Căn phòng tôi làm việc cảm nhận rõ rung chấn, bụi bay khắp nơi.
Sau mỗi đợt tấn công, người dân lại trở về với nhịp sinh hoạt bình thường. Hiện tôi và gia đình vẫn an toàn, đi học đi làm hàng ngày”.
Đất nước không dành cho những người “yếu tim”
Theo chị Kim, Isarel có lẽ là đất nước không dành cho những người “yếu tim” bởi mỗi khi căng thẳng leo thang người dân sẽ liên tục nhận được thông báo, cảnh báo về các cuộc tấn công.
Họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công, thường xuyên nghe thấy còi báo động hay tiếng nổ của các trận cản phá trên không… Ở nhiều “điểm nóng”, người dân thậm chí phải di chuyển khỏi nơi sinh sống cả năm trời, lưu trú trong các khu tị nạn hoặc ở khách sạn.
Mỗi người dân, mỗi gia đình đều phải thường xuyên cập nhật tin tức, nắm vững các kỹ năng an toàn, nhanh chóng sơ tán khi có cảnh báo. Mỗi ngôi nhà, trường học, khu chung cư, bệnh viện đều có hầm trú ẩn để người dân tránh trú mỗi khi có tên lửa tấn công.
“Nhà nước Israel luôn thông báo rõ ràng về tình hình chiến sự, trang bị hệ thống phòng thủ tối tân, áp dụng công nghệ đưa ra các cảnh báo để người dân chủ động sơ tán, tháo chạy.
Các cuộc tấn công được dự báo trước khoảng 90 giây, cũng có những cuộc được dự báo trước tới 9-10 tiếng. Nếu tuân thủ đúng các chỉ định thì người dân sẽ được an toàn, hạn chế thương vong. Nhờ vậy, chị cũng bớt lo lắng phần nào”, người phụ nữ Việt chia sẻ.
Chị Kim cho biết, ngoài hệ thống báo động tự động phát tiếng kêu còn có thông báo trên điện thoại, ti vi. Mỗi năm, người dân đều được tập huấn các kỹ năng đảm bảo an toàn.
Thời gian đầu mới sinh sống tại Isarel, chị Kim cảm thấy rất áp lực. Tuy nhiên, khi trang bị cho mình lối sống giữa “điểm nóng” và được sự bảo vệ từ phía nhà nước, sự quan tâm từ Đại sứ quán Việt Nam tại Isarel, chị Kim cảm thấy an tâm và chủ động hơn.
“Nhiều người thắc mắc sao tôi không lựa chọn về Việt Nam hay chuyển đến nước khác an toàn hơn. Nhưng tôi xác định sẽ sinh sống ở đây và thích ứng với mọi hoàn cảnh vì chồng tôi là người Do Thái, anh ấy sẽ sống trong cộng đồng của mình”, chị Kim cho hay.
Từ thứ hai (23/9) tới hôm nay, chị Kim vẫn đi làm bình thường, con cái vẫn được đến trường. Song chị đã có những phương án phòng bị. Chị chia sẻ, không phải tới thời điểm này mà từ ngày xảy ra giao tranh năm 2023, chị luôn tích sẵn trong nhà nước uống, gạo, bánh kẹo, đồ khô, đồ hộp.
Những ngày này, chị Kim liên tục nhận được các tin nhắn, cuộc gọi từ người thân tại Việt Nam hỏi thăm, dặn dò bảo trọng.
Chị Kim dự định sẽ về thăm nhà vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên vì hầu hết các hãng hàng không đã hủy đường bay tới Israel từ tháng 10 năm ngoái nên, chị Kim và chồng con chưa biết khi nào sẽ thực hiện được chuyến về Việt Nam.
Cũng theo chị Kim, cộng đồng người Việt Nam tại Israel có khoảng 500 người, sống rải rác ở nhiều thành phố. Mọi người thường xuyên giữ liên lạc với nhau và với Đại sứ quán Việt Nam tại Israel. Trong những ngày qua, người Việt luôn chấp hành quy định của nước sở tại, cập nhật tình hình, động viên tinh thần và hỗ trợ nhau.
“Chúng tôi mong sớm hòa bình trở lại để ổn định cuộc sống”, chị Kim nói.
Làm việc trong một trang trại ở cuối miền Bắc Israel, cách biên giới Israel – Li Băng khoảng 200km, Nguyễn M. A. lần đầu tiên nghe thấy tiếng tên lửa nổ trên không. Chàng trai trẻ lo lắng: “Thời gian trước, khu vực tôi sinh sống khá bình yên. Tuy nhiên, hôm 25/9 đã thấy có dấu hiệu nghiêm trọng hơn”.
Theo dõi tin tức, A. cũng nhận thấy, các cuộc tấn công xảy ra chủ yếu ở các địa phương cách biên giới khoảng 40-50km. Như nhiều lao động khác, A. giữ vững mối liên hệ với bạn bè người Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Israel để nhờ trợ giúp trong tình huống khẩn cấp.
“Một số người cho rằng, Israel và Hezbollah đang tiến sát bờ vực xung đột toàn diện sau 11 tháng giao tranh biên giới nên tôi khá lo lắng”, anh A. cho hay.
Những ngày gần đây, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Li Băng, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã ra khuyến cáo về các biện pháp an ninh, an toàn cho cộng đồng người Việt Nam tại đây.
Thông báo nêu rõ: Liên tiếp trong các ngày 22-23/9, lực lượng Hezbollah đã tấn công khoảng 150-160 rocket và máy bay không người lái mỗi ngày vào khắp các thành phố ở miền Bắc Israel, có nơi cách biên giới 50km (ở các thành phố Haifa, Nazareth, Afula, thung lũng Jezreel…). Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất và sâu lãnh thổ Israel nhất của lực lượng Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel – Hamas ngày 7/10/2023.
Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel xin thông báo đến cộng đồng ta một số nội dung sau:
Cần thường xuyên theo dõi cập nhật tình hình thời sự Israel trên các phương tiện truyền thông uy tín của sở tại. Hạn chế đến các khu vực không đảm bảo an ninh, an toàn, khu vực có nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của lực lượng Hezbollah, nhất là khu vực miền Bắc Israel.
Cộng đồng ta trên khắp Israel, đặc biệt đối với những người đang sinh sống tại các thành phố ở miền Bắc Israel cần tuân thủ nghiêm các quy định và hướng dẫn về các biện pháp bảo vệ an ninh an toàn của chính quyền sở tại.
Chủ động lên các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh an toàn cho bản thân và thân nhân trong bối cảnh chiến tranh hiện nay. Thường xuyên giữ liên hệ với Đại sứ quán. Trong trường hợp khẩn cấp, cần sự hỗ trợ và cần biết các thông tin về các phương án bảo hộ công dân, đề nghị công dân ta liên hệ qua đường dây nóng bảo hộ công dân.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nguoi-viet-o-israel-om-con-thao-chay-khi-coi-bao-dong-ten-lua-tan-cong-20240926165752827.htm