Đang nghỉ ngơi sau ca làm đêm, Trang Nhung, sống tại tại Đài Trung, thành phố lớn thứ hai Đài Loan, hốt hoảng vì cơn địa chấn lúc gần 8h.
“Tôi đang ngồi trò chuyện cùng đồng nghiệp thì văn phòng công ty rung lắc. Tôi sợ thót tim, vội vàng cùng đồng nghiệp chạy ra ngoài”, Trang Nhung, quê ở Hòa Bình, sang Đài Loan học và làm việc từ năm 2018, kể.
Trận động đất 7,4 độ xảy ra lúc 7h58 (6h58 giờ Hà Nội) hôm nay với tâm chấn nằm ở phía đông Đài Loan tại độ sâu 15,5 km. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là huyện Hoa Liên, cách Đài Trung khoảng hơn 300 km. Động đất xảy ra gần đất liền và có tâm chấn nông, khiến rung chấn có thể cảm nhận được khắp Đài Loan.
Giới chức ghi nhận ít nhất 9 người thiệt mạng và 800 người bị thương, 26 tòa nhà đổ sụp. Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chưa có thông tin về thương vong của người Việt trong trận động đất.
Khi động đất xảy ra, Trang Nhung đang làm việc tại kho hàng ở tầng một nên nhanh chóng chạy ra được bên ngoài. Cô lấy chồng người Đài Loan, có một con trai ba tuổi. Công việc livestream bán hàng bận rộn khiến cô hay phải làm đêm, chồng sức khỏe kém nên hai vợ chồng gửi con nhờ ông bà nội chăm sóc. Nhà ông bà ở ngoại ô Đài Trung, cách trung tâm khoảng 30 km.
“Con trai tôi giật mình tỉnh giấc, khóc lớn vì động đất mạnh. Ông bà phải gọi điện cho tôi để tôi dỗ dành con”, cô kể.
Nguyễn Minh Hồng, quản lý ở một công ty sản xuất thiết bị định vị cho máy bay và tàu thuyền ở thành phố Cao Hùng, cách Hoa Liên 300 km, cũng làm ca đêm và trở về căn hộ ở tầng 6 tòa chung cư lúc 3h sáng. Khi nằm thư giãn trong bồn tắm, cô cảm nhận cơn rung nhẹ nhưng không quá để ý vì Đài Loan thường xuyên xảy ra động đất.
Minh Hồng đi ngủ tới 7h thì tỉnh giấc vì tiếng chuông báo động phát ra từ điện thoại. Cơn rung nhẹ kéo dài vài giây rồi biến mất, cô tiếp tục ngủ. Đến gần 8h, chuông cảnh báo reo liên tục, cơn rung kéo dài hơn một phút và cường độ mạnh hơn.
“Cơ thể tôi nảy tưng lên, rung bần bật như bị ai lắc. Tôi hốt hoảng vội vàng chạy xuống sảnh chung cư và đứng ở đó khoảng hai phút”, người phụ nữ 31 tuổi quê ở Hà Nam, kể.
Hệ thống giúp Minh Hồng nhanh chóng thức giấc là Hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai Đài Loan (PWS), gửi tin nhắn cảnh báo nếu có động đất từ 4 độ trở lên tới toàn bộ số điện thoại ở hòn đảo.
Năm 2021, Hoa Liên cũng từng xảy ra động đất 6,4 độ. Khi đó, Minh Hồng thuê nhà ở tầng 18 và “cảm giác chao đảo như đang ở trên ngọn cây lúc gió mạnh”. Rút kinh nghiệm, năm nay cô thuê nhà ở tầng thấp hơn tại một chung cư cao cấp.
Làm việc và sinh sống ở Đài Loan từ năm 2012, Minh Hồng cho biết đã quen với động đất. Đảo Đài Loan nằm dọc theo “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, đường đứt gãy địa chấn bao quanh đại dương này, nơi xảy ra hầu hết các trận động đất trên thế giới.
“Nhà cửa ở đây xây dựng theo tiêu chuẩn chống chịu động đất mạnh. Thông thường, nếu có động đất mọi người sẽ chui xuống gầm bàn chờ rung chấn qua đi”, cô nói. “Sau động đất, mọi người tiếp tục quay lại công việc như bình thường”.
Trang Nhung cũng cho biết khu vực cô sống tại Đài Trung không bị ảnh hưởng nhiều sau động đất và nhịp sinh hoạt nhanh chóng nối lại bình thường.
Một yếu tố khiến Minh Hồng yên tâm hơn khi động đất xảy ra là chung cư cô ở mới được xây dựng. Chính quyền Đài Loan liên tục điều chỉnh tiêu chuẩn phòng chống động đất đối với các tòa nhà đang và đã xây, đồng thời hỗ trợ những người dân muốn kiểm tra năng lực phòng chống động đất của tòa nhà mình đang ở.
Stephen Gao, nhà địa chấn học kiêm giáo sư Đại học Bách khoa Missouri, Mỹ, đánh giá “hệ thống ứng phó động đất của Đài Loan thuộc loại tiên tiến nhất thế giới”.
“Hòn đảo áp dụng quy định xây dựng nghiêm ngặt, mạng lưới đo đạc nghiên cứu địa chấn đẳng cấp thế giới và phổ biến rộng rãi quy trình đảm bảo an toàn tới cộng đồng. Đài Loan cũng đẩy mạnh diễn tập chống động đất ở trường học, công sở. Truyền thông đại chúng và điện thoại di động thường xuyên đưa tin về động đất và các biện pháp đảm bảo an toàn”, Gao chỉ ra. “Những biện pháp này đã tăng cường đáng kể khả năng chống chọi động đất của Đài Loan, giảm khả năng xảy ra thiệt hại thảm khốc về người và của”.
Hồng Hạnh