(Dân trí) – Đang ngồi trò chuyện, chị Sơn bất ngờ nghe chuông báo động có tên lửa. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn. Khoảng 1 phút sau, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.
Căn hầm quan trọng “kích hoạt” lối sống thời chiến
Những ngày này, điện thoại của chị Sơn Nguyễn (sống ở Haifa, Israel) thường xuyên nhận được tin nhắn và những cuộc gọi. Người thân ở Việt Nam, đồng hương người Việt và nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel mỗi ngày đều nhắn tin hỏi thăm tình hình gia đình chị Sơn trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và phong trào Hezbollah tại Li Băng.
Kết hôn và sinh sống ở Israel 30 năm, chị Sơn hiểu rõ Israel là khu vực điểm nóng về chính trị. Xung đột dai dẳng giữa Israel và các quốc gia lân cận khiến vài ba năm, đôi khi là một vài tháng, những người dân sinh sống tại quốc gia này như chị Sơn lại “kích hoạt” lối sống “thời chiến”.
Thành phố Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm ở miền Bắc Israel, cách biên giới Li Băng khoảng 50km. Đây được xem là một trong những trọng điểm tấn công của lực lượng Hezbollah bởi Haifa là một thành phố cảng, có sự hiện diện của lực lượng quân sự.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Israel, liên tiếp trong các ngày 22-23/9, lực lượng Hezbollah đã tấn công khoảng 150-160 rocket và máy bay không người lái mỗi ngày vào khắp các thành phố ở miền Bắc Israel (Haifa, Nazareth, Afula, thung lũng Jezreel…), có nơi cách biên giới50km.
Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất và sâu lãnh thổ Israel nhất của lực lượng Hezbollah kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel – Hamas ngày 7/10/2023.
Chị Sơn cũng cho biết, tình hình quanh khu vực mình sinh sống căng thẳng hơn những tháng trước, còi báo động vang lên ở nhiều khu vực. Thậm chí, gần nhà chị đã xảy ra cuộc không kích bằng tên lửa của lực lượng Hezbollah.
Chị Sơn Nguyễn kể, tối 23/9, khi gia đình chị đang ngồi trò chuyện thì bất ngờ nghe chuông báo động. Cả nhà nhanh chóng chạy vào hầm trú ẩn trong nhà. Ngồi trong phòng trú ẩn khoảng 1 phút, chị Sơn nghe thấy tiếng nổ bùm bùm liên tiếp rất lớn.
Khi vụ tấn công kết thúc, trong nhóm bạn bè người Việt tại Israel, nhiều người cho biết vụ nổ xảy ra gần nơi họ sinh sống, tiếng nổ lớn ngay trên đầu nên dù ngồi trong hầm họ vẫn nghe rất rõ.
Theo chị Sơn, Israel thường xuyên xảy ra xung đột, giao tranh nên chính phủ nước này luôn chú trọng đến khâu bảo đảm an toàn cho người dân từ việc thường niên tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn, sơ tán. Đây cũng là những kỹ năng trẻ em được học đầu tiên khi đến trường.
Đặc biệt, tại mỗi ngôi nhà, trường học, khu chung cư, bệnh viện, công sở đều có hầm trú ẩn để người dân tránh trú mỗi khi có tên lửa tấn công.
Chị Sơn kể: “Hầm có được thiết kế là tầng ngầm, tầng dưới cùng của các tòa nhà, ngôi nhà đơn lẻ. Để thuận tiện cho quá trình tránh trú, nhiều gia đình ở chung cư, nhà mặt đất cũng thiết kế hầm riêng trong nhà”.
Theo chị Sơn, trong căn hộ hay ngôi nhà, ngoài phòng khách, phòng bếp, các phòng ngủ, gia đình chị dành riêng một phòng làm hầm trú ẩn. Căn hầm được xây dựng đặc biệt hơn hẳn so với các phòng khác về vật liệu, kết cấu tường hay thiết kế cửa sổ…
Quá trình xây dựng tuân thủ theo các quy định an toàn của chính phủ, trải qua sự kiểm tra của đơn vị kỹ thuật trong thời gian thi công và sau khi hoàn chỉnh để đảm bảo đủ an toàn cho chống đạn, tránh tên lửa.
Trong căn hầm, chị Sơn để sẵn nước uống, các đồ ăn tích trữ cùng nhiều đồ dùng thiết yếu cơ bản.
“10 tên lửa bay qua nhưng bị cản phá”
Theo chị Sơn, những cuộc tấn công vũ trang, không kích tại đây có lẽ sẽ khác so với hình dung của nhiều người.
Lý do là bởi, đôi bên đều áp dụng công nghệ, hệ thống phòng không tối tân khi tấn công hay cản phá. Đường đi hay mục tiêu tấn công được Israel dự báo trước và với hệ thống cảnh báo, người dân sẽ có thời gian di chuyển, tránh trú.
Hệ thống phòng không của Israel mà chị Sơn nhắc đến là Iron Dome (Vòm sắt). Đây là một hệ thống tầm ngắn đã đánh chặn hàng nghìn tên lửa và máy bay không người lái (UAV) do Hamas và Hezbollah, hai nhóm vũ trang có liên kết với Iran, bắn trong vài năm qua.
Vòm sắt hoạt động dựa vào một hệ thống radar và phân tích để xác định mục tiêu tên lửa có gây ra mối đe dọa hay không. Hệ thống này chỉ triển khai tên lửa đánh chặn nếu xác định tên lửa đang bay tới có nguy cơ nhằm vào một khu vực có dân cư hay cơ sở hạ tầng quan trọng.
Tuy nhiên, Vòm sắt cũng tồn tại hạn chế vì từng có một số tên lửa đã xuyên thủng hệ thống phòng không này. Những tên lửa tầm cực ngắn cũng có thể là mối đe dọa với Vòm sắt.
“Khi có tên lửa hoặc đạn pháo, radar phát hiện sẽ theo dõi và hệ thống sẽ gửi thông báo tới điện thoại của người dân, trên các phương tiện thông tin, phát còi báo động. Thông báo có thể phát trước 1-2 phút, 1-2 tiếng hoặc nhiều tiếng đồng hồ.
Điều này rất quan trọng giúp người dân có thể di chuyển đến nơi an toàn trước khi vũ khí bay tới. Tiếng nổ mà chúng tôi nghe thấy là do hệ thống đánh chặn, cản phá trên không. Nhờ vậy mà các thiệt hại về người và tài sản được giảm bớt. Người dân chúng tôi bình tĩnh ứng phó khi có tấn công”, chị Sơn cho hay.
Hầu hết các cuộc tấn công được xác định vị trí và cản phá. Tuy nhiên, lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống hoặc có sự sai lệch, chị Sơn vẫn tuân thủ theo các cảnh báo an toàn và thực hiện đúng các chỉ dẫn của Israel.
“Sáng 27/10, Hezbollah bắn 10 tên lửa qua Haifa nhưng bị Israel cản phá. Tuy nhiên, nhờ có sự bảo vệ nhiều tầng từ hệ thống Iron Dome tới hầm trú ẩn nên may mắn không có thiệt hại”, chị Sơn nói.
Haifa nơi chị Sơn sinh sống nằm trong khu vực miền Bắc. Vì vậy, một tuần nay, trẻ em đã phải nghỉ học. Thành phố yêu cầu không tụ tập ngoài trời quá 30 người, trong nhà không quá 100 người và phải có hầm trú ẩn. Nhiều công ty cho nhân viên làm việc online, các gia đình hạn chế ra ngoài, di chuyển trên đường…
Chị Sơn làm công việc quản lý du học sinh Việt Nam tại Israel. Những ngày này, chị không tới văn phòng mà làm việc online.
Người phụ nữ Việt có một nhà hàng ăn uống. Tuy nhiên, do giao tranh căng thẳng, lượng khách cũng bị sụt giảm, không có khách du lịch…
“Nhà hàng của tôi có tiếng trong vùng nên không bị ảnh hưởng quá nhiều. Khách không đến được cửa hàng vẫn đặt đồ thuê shipper (người giao hàng) chuyển tới nhà”, chị Sơn cho hay.
Tại các khu chợ, siêu thị, hoạt động mua sắm vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên như chị Sơn, nhiều gia đình đã thực hiện theo khuyến cáo tích trữ lương thực, đồ khô đủ dùng cho cả tháng.
Theo chị Sơn, cuộc sống tại thành phố của chị may mắn chưa có quá nhiều xáo trộn, nhiều thành phố ở miền Bắc gần biên giới, hàng trăm ngàn người phải di tản từ năm 2023 đến thời điểm này gần một năm vẫn chưa về nhà.
Tần suất các cuộc đấu pháo của Israel với Hezbollah ngày càng tăng gần đây khiến chị Sơn lo lắng về cuộc tấn công toàn diện nếu như đôi bên mở rộng chiến dịch.
Như nhiều người dân, chị Sơn mong muốn giao tranh sớm kết thúc, người dân được trở về nhà, sống trong hòa bình.
“Tôi nghĩ nếu không xảy ra giao tranh, bất ổn thì Israel là một đất nước rất đáng để sống, khám phá du lịch bởi khí hậu mát mẻ, có biển, có núi, có sa mạc và nhiều cảnh đẹp. Người dân nước này có nhiều nét tính cách giống người Việt, đề cao tinh thần cộng đồng, đoàn kết và luôn yêu thương, giúp đỡ người khác”, chị Sơn chia sẻ.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/nguoi-viet-ke-ve-can-ham-tru-an-kich-hoat-loi-song-thoi-chien-o-israel-20240929180324151.htm