Theo Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản tại Việt Nam (JNTO), lượng khách Việt đến Nhật Bản trong tháng 2-2024 cao nhất từ trước đến nay với hơn 60.000 lượt. Tháng cao nhất trước đó là tháng 2-2023 với 55.800 lượt. Trong 2 tháng đầu năm, khách Việt đến Nhật Bản đạt hơn 107.000 lượt, tăng 40% so với cùng kỳ 2019.
Cùng với đó, các thị trường khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt của dòng khách Việt. Trong đó, Trung Quốc là thị trường được khách Việt yêu thích nhất trong năm 2024.
Khách Việt đi quốc tế tăng vì giá vé máy bay
Nhiều công ty lữ hành cho biết lượng khách hàng đặt tour đi du lịch Trung Quốc tăng vọt, nhiều tuyến tăng 100% so với cùng kỳ năm 2023.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Hồ Xuân Phúc – tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanotour – thông tin không chỉ riêng dịp lễ 30-4, lượng đặt chỗ một số tour, tuyến đi Trung Quốc như: Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn, Bắc Kinh – Thượng Hải – Hàng Châu… đã kín lịch đến hết tháng 6.
“Giá tour đi Trung Quốc không quá rẻ so với các tour nội địa, sản phẩm du lịch trong 6 ngày 5 đêm đến các điểm nổi tiếng tại thị trường này dao động 14-19 triệu đồng/khách.
Tuy nhiên, khách Việt có tâm lý so với việc tour nội địa rẻ hơn vài triệu đồng thì đi tour quốc tế thích hơn. Còn với sản phẩm du lịch nội địa, người dân có thể chủ động đi nên sẽ chờ thời điểm cho giá hợp lý”, ông Phúc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Ngọc An – phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietluxtour, giá vé máy bay chiếm đến 50-60% giá tour trọn gói. Vì vậy, khi giá vé máy bay các chặng nội địa tăng cao, đặc biệt trong mùa cao điểm du lịch hè, khiến giá tour trọn gói tăng theo, làm sản phẩm du lịch nội địa kém hấp dẫn.
Đơn cử có thể kể đến giá tour trọn gói đi Phú Quốc và Thái Lan chênh lệch không nhiều, thậm chí một số tour đi Thái Lan chỉ đắt bằng vé máy bay khứ hồi một số chặng nội địa như Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Nha Trang.
Du lịch nội địa có lép vế?
Thị trường đưa khách đi quốc tế tăng trưởng cao, nhưng không có nghĩa du lịch nội địa không phát triển. Ông Nguyễn Công Hoan – CEO Flamingo Redtours – cho biết du lịch nội địa chỉ lép vế nếu nhìn ở góc độ của doanh nghiệp lữ hành.
Từ sau dịch COVID-19, xu hướng du lịch của người dân có nhiều thay đổi. Thêm vào đó, giá vé máy bay tăng cao chỉ điều chỉnh nhu cầu của khách du lịch nội địa.
Du lịch nội vùng được đánh giá sẽ là xu hướng trong các kỳ nghỉ lễ và mùa cao điểm du lịch năm 2024. Thay vì đi các điểm đến xa cần di chuyển bằng máy bay, du khách sẽ đi đến các điểm đến gần, dễ dàng chủ động thay thế bằng các loại phương tiện như ô tô, xe máy, tàu hỏa. Tuy đi gần và ngắn ngày, nhưng bù lại du khách sẽ đi nhiều lần hơn.
Các tour du lịch nội địa kém hấp dẫn hơn so với tour quốc tế, đặt ra bài toán cho doanh nghiệp lữ hành cần có sự đổi mới trong sản phẩm, cách thức tiếp cận khách hàng.
“Thị trường tour nội địa trọn gói giảm mạnh, nhưng nhu cầu đặt các dịch vụ đơn lẻ không theo tour của người dân lại tăng. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào các sản phẩm tăng tính trải nghiệm cho du khách, thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Thay vì xây dựng nhiều sản phẩm tour trọn gói, chúng tôi cung cấp thêm các sản phẩm du lịch đơn lẻ dưới dạng combo, voucher phục vụ nhu cầu tự đi của du khách”, ông Phúc cho hay.