Du học sinh Việt ở bậc đại học thường đến các nước nói tiếng Anh vì thương hiệu, chất lượng đào tạo cùng cơ hội định cư, theo các chuyên gia.
Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thống kê đưa ra gần đây nhất, năm học 2019-20, cho biết Việt Nam có khoảng 190.000 sinh viên học tập ở nước ngoài. Các điểm đến phổ biến là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada.
“Năm nay, chúng tôi chưa có thống kê nhưng số du học sinh sau dịch ước tính đã hồi lại về mức trước, thậm chí đang tăng”, một lãnh đạo của Cục tuần này cho biết.
Theo thống kê của các tổ chức tư nhân, chẳng hạn Capstone Education Việt Nam – tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn du học, định hướng nghề nghiệp – năm 2022, Hàn Quốc là quốc gia nhận số lượng du học sinh Việt Nam đông nhất, với 66.000 người, tiếp theo là Nhật Bản 37.000. Con số này bao gồm cả các thực tập sinh, học viên những khóa ngắn hạn hoặc không cấp bằng.
Nếu tính riêng du học đại học, xu hướng hiện nay vẫn nhắm đến các nước nói tiếng Anh vì chất lượng giáo dục và chính sách hỗ trợ sinh viên tốt, bà Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học và Dịch thuật Đức Anh nói.
Việt Nam đứng thứ 5 trong các quốc gia có đông sinh viên đến học tại Australia (tính đến tháng 9/2022), theo Tổ chức giáo dục IDP. ICEF Monitor, công ty chuyên nghiên cứu giáo dục quốc tế, liệt kê Việt Nam là thị trường lớn thứ 6 của Mỹ, thứ 4 của New Zealand và thứ 8 của Canada.
Nguyễn Minh Đức, học sinh lớp 12 ở Hà Nội, đang hướng đến Australia và Singapore cho chuyên ngành Dược hoặc Hóa Sinh. Đức muốn du học vì em thấy những ngành này chưa phát triển ở Việt Nam. Australia và Singapore lại là hai điểm đến du học phổ biến, triển vọng việc làm, thu nhập tốt, đặc biệt có cơ hội định cư.
Trần Thành Nam, học sinh lớp 10 một trường chuyên tại Hà Nội, đã lên kế hoạch du học ngành nghệ thuật, thiết kế ở Hà Lan, Canada hoặc Mỹ vì tin rằng các đại học ở đây mạnh về đào tạo lĩnh vực này.
Thị trường du học ở các nước nói tiếng Anh vẫn luôn sôi động, bà Trần Phương Hoa, Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, cho hay. 10 năm qua, nhóm du học Mỹ luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong chương trình của công ty này. Mức độ quan tâm tới nước Mỹ không tăng đột biến nhưng luôn ổn định và tiếp tục phục hồi, tăng trưởng nhẹ sau giai đoạn Covid-19. Gần đây, phụ huynh tìm hiểu về du học các nước nói tiếng Anh khác như Canada, Australia, Anh tại Summit tăng khoảng 15-20%.
Tại một trung tâm dịch vụ khác, Đức Anh, có đến 60% khách hàng chọn đến Australia, 20% Canada và New Zealand.
Những yếu tố mà học sinh và gia đình quan tâm nhất khi tìm hiểu du học đại học là thương hiệu trường và quốc gia, chất lượng giáo dục, việc làm, và cuối cùng là cơ hội định cư. Do đó, bên cạnh Mỹ và Anh là hai nước có chất lượng giáo dục hàng đầu toàn cầu, các nước có chính sách thuận lợi để định cư như Australia, New Zealand, Canada luôn được quan tâm.
Việt Nam là thị trường tăng trưởng trọng điểm ở Đông Nam Á trong lĩnh vực du học, ICEF Monitor đánh giá. Một công ty như của bà Nhâm đang đại diện tuyển sinh trực tiếp cho hơn 2.000 trường phổ thông, cao đẳng và đại học của 16 nước và vùng lãnh thổ; mỗi năm làm hồ sơ cho hàng nghìn học sinh, bà cho biết.
Có nhiều lý do khiến Việt Nam ngày càng trở thành “điểm nóng” tuyển sinh đối với những tổ chức giáo dục toàn cầu.
Trước hết, Việt Nam là quốc gia có dân số đông, tỷ lệ dân số trẻ cao dẫn tới nhu cầu cho các dịch vụ giáo dục và du học tăng.
Bên cạnh đó, kinh tế phát triển, kéo theo thu nhập bình quân tăng nhanh.
Tâm lý cởi mở và nhận thức tốt về giáo dục, cơ hội ở nước ngoài đang khiến ngày càng nhiều gia đình đầu tư cho con du học với mong muốn tiếp cận nền giáo dục chất lượng. Thống kê năm 2018 của HSBC cho thấy mức chi tiêu cho giáo dục của mỗi gia đình chiếm 47% tổng chi tiêu.
Sinh viên Việt Nam được các trường đánh giá cao khả năng học tập, có thái độ cầu tiến. Phong trào học tiếng Anh tốt và được phổ biến từ sớm trong giới học sinh.
“Kết quả thi chuẩn hóa để vào các trường ở quốc gia nói tiếng Anh cũng đang được nhiều đại học Việt Nam sử dụng, góp phần gia tăng số lượng học sinh sẵn sàng tiếng Anh để du học hơn”, bà Hoa nói.
Minh Đức, lớp 12, phấn đấu cải thiện điểm trung bình học tập (GPA), luyện thi IELTS và đặt mục tiêu có giải học thuật để giành học bổng ASEAN của Singapore hoặc học bổng 50% của các trường tại Australia.
Trong khi đó, Nam, lớp 10, đang tìm hiểu chính sách học bổng và hỗ trợ tài chính để đỡ gánh nặng. Em cũng bắt tay vào làm các dự án nghệ thuật và chuẩn bị dần portfolio (hồ sơ năng lực), duy trì điểm GPA 9,6 và ôn luyện để nâng IELTS lên 7.0.
“Muốn đi Mỹ, hồ sơ cần tăng cường hoạt động ngoại khóa, vì thế em đang hướng tới thử sức cuộc thi vẽ nghiệp dư cả ở Việt Nam và quốc tế”, Nam nói.
Bình Minh