(GLO)- Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi được nghe bà Vũ Thị Mùi (số 509, đường Quang Trung, phường An Tân, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) kể lại kỷ niệm sâu sắc về 2 lần được gặp Bác Hồ.
Bà Vũ Thị Mùi sinh năm 1936 ở xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ, vợ chồng bà công tác tại Hà Nội. Sau giải phóng năm 1975, ông bà được tổ chức điều chuyển công tác vào Gia Lai. Ông Trần Đình Long-chồng bà Mùi-được cử làm Giám đốc Xí nghiệp gạch An Khê, còn bà là nhân viên giữ trẻ cho xí nghiệp.
Bà Vũ Thị Mùi kể lại chuyện những lần gặp Bác. Ảnh: Nguyễn Anh Minh |
Bà Mùi hồi nhớ: “Năm 1952, chúng tôi đang tát nước chống hạn cho lúa ngoài cánh đồng ở đầu làng thì thấy mọi người hò reo: “Bác Hồ đến, Bác Hồ đến”. Ai nấy đều ngơ ngác nhìn xem Bác đang ở đâu thì thấy một ông cụ mặc quần áo nâu, đi dép cao su, đội mũ màu be từ sau lũy tre làng đi tới. Bác giơ tay vẫy chào mọi người. Mọi người đều hô to: “Bác Hồ, Bác Hồ đến”. Bác đi thẳng lại chỗ chúng tôi đang tát nước gàu giai (gàu đôi) và đề nghị cho Bác tát nước cùng. Mọi người còn đang ngần ngại thì Bác đã túm lấy dây gàu của chị đang tát nước cùng tôi. Bác dí dỏm nói tôi chỉ Bác tát nước. Vậy là tôi may mắn được tát nước cùng với Người. Sau mấy gàu nước đầu còn chưa quen, chỉ một lát sau, Bác đã tát nước đều tay với tôi. Dừng tay tát nước, Bác kể: Hồi nhỏ, Bác cùng với mẹ đi tát nước chống hạn nên mới thuần thục như vậy”. Kể đến đây, bà Mùi không giấu được xúc động, khóe mắt rưng rưng. “Khi bà con đã tập trung đông đủ ở sân đình, một anh cán bộ đến mời Bác đến nói chuyện. Chúng tôi im lặng lắng nghe. Bác đi rồi, tôi vẫn còn đứng ngơ ngác, không tin rằng mình đã được gặp Bác, được tát nước cùng Người. Đến bây giờ, sau mấy chục năm, tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc ấy”-bà Mùi bày tỏ.
Về lần gặp Bác thứ hai, bà Mùi nhẹ nhàng chia sẻ: “Tôi không nhớ cụ thể là năm bao nhiêu. Lúc đó, tôi đang làm cấp dưỡng cho một đơn vị bộ đội đóng quân ở huyện Đông Anh, Hà Nội; được cấp trên gọi lên giao nhiệm vụ đặc biệt, múc nước để Bác Hồ tưới cây. Tôi nhanh chóng đi chuẩn bị dụng cụ, trong lòng háo hức lắm vì sắp được gặp Bác lần thứ hai”.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà Mùi được cấp trên cho biết, có anh cán bộ mang một cây vú sữa từ miền Nam ra, Chính phủ đã tổ chức để Bác trồng cây vú sữa tại khu vực đơn vị bà đang đóng quân để thuận lợi hơn trong công tác bảo vệ Bác.
Bà chậm rãi kể: “Bác Hồ cùng đoàn cán bộ Trung ương đi trên một đoàn xe màu đen, rất nhiều xe nên không biết Bác ngồi xe nào. Khi đoàn xe dừng lại, Bác bước xuống ở chiếc xe giữa đoàn. Chỉ huy đơn vị mời Bác đến khu vực đã chuẩn bị sẵn để trồng cây, mọi người đứng thành vòng tròn xung quanh. Bác đặt cây vú sữa xuống hố, lấy xẻng lấp đất cẩn thận. Tôi cầm sẵn ô doa đầy nước đưa cho Bác để tưới cho cây vú sữa. Sau khi tưới cây, Bác căn dặn, các cháu phải chăm sóc cho cây vú sữa thật tốt để cây nhanh lớn vì đây chính là tình cảm của Nhân dân miền Nam ruột thịt dành cho miền Bắc. Nói xong, Bác vẫy chào rồi nhanh chóng đi ra xe trở về Hà Nội. Mọi người nhìn theo bóng Bác và đoàn xe dần khuất xa”.
Sau năm 1975, vợ chồng bà Mùi về công tác tại Xí nghiệp gạch An Khê. Những năm đầu sau giải phóng, đất nước bộn bề gian khó, Xí nghiệp gạch An Khê cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ, nhớ lời Bác căn dặn, ông bà đã chung tay đưa Xí nghiệp gạch An Khê đi vào hoạt động ổn định. Đặc biệt, ông Trần Đình Long, với cương vị là Giám đốc Xí nghiệp, lại là người lính thợ từng được gặp Bác, ông dành hết tâm huyết cho việc phát triển xí nghiệp, phục vụ cho việc tái thiết nền kinh tế địa phương. Xí nghiệp gạch An Khê đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của trung ương và địa phương. Khi ông Long mất, bà Mùi sẵn lòng tặng những huân-huy chương, bằng khen, giấy khen của ông bà cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, phục vụ công tác tuyên truyền.
Bà Mùi nay tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, phải thường xuyên đến bệnh viện điều trị, nhưng ai hỏi về chuyện gặp Bác, bà đều hào hứng kể lại. Với bà, dù thời gian được gặp Bác không lâu, nhưng đây là niềm vinh dự lớn lao, là động lực giúp bà phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.