Khi tới Australia vào những năm 1960, Brian Robson nhận ra quyết định rời Anh tới đây là sai lầm và chọn cách đặc biệt để trở về vì không đủ tiền mua vé máy bay.
Brian Robson, phụ xe buýt ở Xứ Wales, mong muốn có cuộc sống tốt đẹp ở Australia. Anh tham gia chương trình lao động nước ngoài của chính phủ Australia, nộp đơn vào Đường sắt Victoria, nhà điều hành phần lớn vận tải đường sắt ở bang Victoria những năm 1960. Ngay sau khi qua sinh nhật lần thứ 19 vào năm 1964, Robson lên chuyến bay đến Melbourne.
Khi đến nơi, Robson mô tả khu nhà trọ mình được phân giống như “ổ chuột”. Mặc dù chưa bắt đầu công việc ở vùng đất mới đến, Robson đã thấy rằng anh không thể ở lại đất nước này. “Tôi quyết định sẽ phải trở về bằng mọi giá”, anh nói.
Robson làm việc tại Đường sắt Victoria khoảng 6-7 tháng trước khi bỏ việc và rời khỏi Melbourne. Anh đã lang thang qua những vùng hẻo lánh ở Australia, trước khi trở về Melbourne và làm việc trong một nhà máy giấy.
Robson không thể thích nghi được với cuộc sống ở đây và vẫn nung nấu ý định rời Australia. Vấn đề lớn nhất với Robson là không có tiền để trả lại chính phủ Australia phí di chuyển từ Xứ Wales. Anh cũng không có đủ tiền để mua vé máy bay về quê.
“Vé tốn khoảng 700-800 bảng Anh (960-1.099 USD). Nhưng tôi chỉ kiếm được khoảng 30 bảng Anh một tuần, nên điều đó là không thể”, Robson nói.
Trong lúc tuyệt vọng, Robson quay lại thăm khu nhà trọ mà anh ở ban đầu. Tại đây, anh gặp John và Paul, những người Ireland mới đến Australia. Ba người nhanh chóng trở thành bạn bè và cùng nhau tham dự một triển lãm thương mại, nơi họ trông thấy gian hàng của công ty vận chuyển Anh Pickfords.
“Tấm biển ghi ‘chúng tôi có thể chuyển bất kỳ thứ gì tới bất kỳ đâu’. Tôi đã nói rằng ‘họ có khi sẽ vận chuyển được cả chúng ta'”, Robson kể.
Dù đó ban đầu chỉ là câu nói đùa, Robson sau đó không thể ngừng suy nghĩ về phương án này.
Hôm sau, anh tới văn phòng của hãng hàng không Qantas của Australia ở Melbourne để tìm hiểu về quy trình gửi một thùng đồ ra nước ngoài, kích thước và trọng lượng tối đa cho phép, cũng như các thủ tục cần thiết và liệu có thể trả phí khi sau khi giao hàng thành công hay không.
Sau khi thu thập thông tin cần thiết, Robson quay trở lại nhà trọ và nói với hai người bạn rằng anh đã tìm ra cách giải quyết vấn đề. “Họ hỏi tôi kiếm được đủ tiền chưa. Tôi nói ‘không, tôi tìm ra cách khác để làm điều đó. Tôi sẽ tự gửi mình về nước'”, Robson kể.
Sau khi nghe Robson trình bày kế hoạch, Paul đã nghĩ đó là ý tưởng “ngốc nghếch”, nhưng John có vẻ “lạc quan hơn một chút”. “Chúng tôi đã dành ba ngày để nói về nó và cuối cùng hai người bạn đều ủng hộ kế hoạch”, anh kể.
Robson đã mua một thùng gỗ lớn và dành ít nhất một tháng để lên kế hoạch chi tiết với hai người bạn. Họ phải đảm bảo chiếc thùng gỗ đủ chỗ cho cả Robson và chiếc vali mà anh quyết mang về. Anh cũng mang theo một cái gối, một chiếc đèn pin, một chai nước uống, một chai đựng nước tiểu và một cái búa nhỏ để mở thùng gỗ khi tới London.
Ba người diễn tập bằng cách để Robson chui vào thùng gỗ và hai người bạn đóng nó lại, sau đó sắp xếp một chiếc xe tải chở thùng hàng đặc biệt này tới gần sân bay ở Melbourne.
Sáng hôm sau, Robson chui vào thùng gỗ một lần nữa, trước khi John và Paul đóng đinh nắp thùng một cách chắc chắn. Họ chào tạm biệt nhau. Hành trình dự kiến kéo dài 36 tiếng.
“10 phút đầu tiên rất ổn. Nhưng sau đó đầu gối ngày càng đau vì bị kẹp chặt ở ngực”, anh kể.
Chiếc thùng được đưa lên máy bay vài giờ sau khi nó được xe tải chở tới sân bay. “Lúc đó tôi thực sự rất đau. Khi máy bay cất cánh, tôi mới bắt đầu nghĩ tới việc mình cần phải có oxy để thở. Có rất ít oxy trong khoang chứa này”, anh cho biết.
Chặng đầu tiên của hành trình là chuyến bay dài 90 phút từ Melbourne tới Sydney. Thử thách tiếp theo khắc nghiệt hơn nhiều với Robson, vì chiếc thùng chứa bị đặt lộn ngược khi tới Sydney. “Tôi đã phải ở trong tư thế lộn ngược đó 22 tiếng”, anh nói.
Theo kế hoạch, kiện hàng sau đó được đưa lên máy bay của hãng Qantas tới London. Tuy nhiên, vì máy bay đã đầy, nó được chuyển sang chuyến bay của Pan Am đến Los Angeles, hành trình dài hơn nhiều.
“Hành trình mất khoảng 5 ngày. Cảm giác đau đớn ngày càng tăng lên. Tôi không thể thở một cách bình thường và gần như mất ý thức”, anh nói.
Robson dành phần lớn thời gian trong chiếc thùng gỗ tối tăm để vật lộn với nỗi đau và trạng thái không còn tỉnh táo. “Đã có lúc tôi nghĩ mình sắp chết và mong rằng nó xảy ra nhanh chóng”, anh cho hay.
Khi máy bay hạ cánh, Robson quyết tâm hoàn thành phần còn lại của kế hoạch. “Ý tưởng của tôi là đợi khi trời tối, dùng búa phá cạnh chiếc thùng và đi bộ về nhà. Nhưng mọi thứ không diễn ra như vậy”, anh kể.
Hai nhân viên sân bay đã phát hiện Robson khi nhìn thấy ánh sáng từ chiếc thùng gỗ. Họ đến gần hơn và sững sờ khi thấy một người đàn ông ở trong đó.
“Anh chàng tội nghiệp đó chắc hẳn đã bị đau tim”, Robson, người khi đó mới nhận ra mình đang ở Mỹ, nói. “Anh ta liên tục hét lên ‘có thi thể ở trong thùng’. Nhưng tôi không thể trả lời anh ta. Tôi không nói hay cử động được”.
Nhân viên sân bay nhanh chóng tìm quản lý. Sau khi xác nhận người trong thùng vẫn còn sống và không có mối đe dọa nào, nhân viên sân bay nhanh chóng đưa Robson tới bệnh viện và anh ở lại đây khoảng 6 ngày.
Vào thời điểm đó, câu chuyện của anh đã được truyền thông đưa tin và các phóng viên đổ xô tới viện. Dù về lý thuyết Robson đã vào Mỹ bất hợp pháp, anh không đối mặt bất kỳ cáo buộc nào. Giới chức Mỹ chỉ bàn giao Robson cho hãng Pan Am và anh được sắp xếp ghế khoang hạng nhất để trở về London.
Robson được truyền thông săn đón khi về London ngày 18/5/1965. “Gia đình vui khi gặp lại tôi, nhưng họ không hài lòng về những gì tôi đã làm”, anh nói.
Khi trở về Xứ Wales cùng cha mẹ, Robson muốn quên đi tất cả câu chuyện. Nhưng anh đã trở thành một gương mặt nổi tiếng sau hành trình đặc biệt.
Robson, hiện 78 tuổi, chia sẻ ông vẫn bị ám ảnh về khoảng thời gian ở trong thùng. “Đó thực sự là một phần cuộc sống mà tôi muốn quên, nhưng lại không thể quên”, ông nói.
Tuy nhiên, câu chuyện cũng mang lại một số khía cạnh tích cực cho cuộc sống của Robson. Năm 2021, Robson xuất bản cuốn sách Thoát khỏi thùng hàng kể chi tiết về hành trình.
Trong thời gian quảng bá cho cuốn sách, Robson xuất hiện nhiều trên truyền thông, bày tỏ mong muốn được gặp lại John và Paul. Ông đã mất liên lạc với họ sau khi về Anh dù đã gửi thư.
Năm 2022, Robson liên lạc được với một trong hai người bạn. “Lý do tôi không nhận được thư hồi đáp là vì họ không nhận được chúng. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì đã có lúc tôi nghĩ họ không muốn nói chuyện với mình. Điều đó không đúng, hoàn toàn ngược lại”, ông nói.
Thanh Tâm (Theo CNN, Irish Central)