(Dân trí) – Đại biểu Quốc hội nêu lý do đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế cho người từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết, hiện nay, lưới an sinh xã hội bao phủ đều khắp, đối tượng hưởng bảo hiểm y tế chiếm trên 90%.
Tuy nhiên, đại biểu Bình cho rằng, vẫn còn người dân từ đủ 60 tuổi cho đến dưới 80 tuổi chưa được nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế.
Thực tiễn cho thấy, nhiều người từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi vẫn gặp khó khăn, đặc biệt, những người không có lương hưu, trợ cấp. Không ít người phải sống phụ thuộc vào con cháu.
Theo ông Bình, hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã cập nhật nhiều đối tượng được nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, đời sống một số người dân vẫn cần được hỗ trợ để an vui hơn khi về già.
Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét đưa nhóm đối tượng từ 60 tuổi đến 80 tuổi, từ thời điểm 1/7/2025 thì người từ 60 tuổi đến dưới 75 tuổi được nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế.
“Cụ thể, có thể áp dụng hỗ trợ mức đóng cho nhóm này tương tự như chính sách hỗ trợ mức đóng 70% bảo hiểm y tế cho đối tượng cận nghèo”, ông Thạch Phước Bình nêu.
Đại biểu lý giải, điều kiện ngân sách còn khó khăn, trong khi đó đối tượng hưởng an sinh xã hội, chính sách rất lớn. Trong bối cảnh này, ông Bình cho rằng đề xuất mức hỗ trợ đóng 70% bảo hiểm y tế là phù hợp, đối tượng cùng chi trả 30%.
“Tới đây khi điều kiện tốt hơn, có thể nhà nước hướng tới hỗ trợ đóng 100%”, đại biểu kỳ vọng.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, mức đóng bảo hiểm y tế được tính toán dựa vào khả năng đóng của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi và khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm y tế.
Cũng theo quy định của Luật, đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế như sau: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ gia đình nghèo theo Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025; người thuộc hộ chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025;
Hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025;
Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định, căn cứ khả năng ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng cao hơn mức hỗ trợ tối thiểu và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng không được hưởng mức hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Nguồn: https://dantri.com.vn/an-sinh/nguoi-tu-60-tuoi-khong-co-luong-huu-duoc-de-xuat-ho-tro-70-the-bhyt-20241026104613042.htm