Ông Hồ Văn Tiêu kể lại, từ nhỏ, ông được cha mẹ dạy hát dân ca, sử dụng thành thạo các dụng cụ âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Sau này nhiều năm làm công tác lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, không có nhiều thời gian để dành cho nghệ thuật truyền thống nhưng nó như mạch nguồn vẫn chảy trong ông. Để rồi khi về nghỉ chế độ, với lòng nhiệt huyết, ông Tiêu đã đến từng bản làng vận động người dân bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống, các lễ hội của người Bru-Vân Kiều, từ đó tạo nên sức mạnh cộng đồng trong kết nối và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc. Ngoài ra, ông Hồ Văn Tiêu đã tập hợp những người biết đàn, hát dân ca, phục dựng nhạc cụ để giao lưu, học hỏi lẫn nhau.
Với mong muốn đưa bản sắc văn hóa truyền thống người Vân Kiều trao lại con cháu để giữ cho mai sau, Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lệ Thủy mời ông Tiêu đến dạy đàn, hát dân ca của người Bru-Vân Kiều cho học sinh. Những buổi truyền dạy của nghệ nhân đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trao truyền “ngọn lửa” nghệ thuật dân tộc cho thế hệ trẻ. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Vững, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy, ngoài Trường phổ thông dân tộc nội trú Lệ Thủy đưa văn hóa Bru -Vân Kiều vào dạy trong trường học, còn có các trường ở ba xã miền núi đã nghiên cứu, sưu tầm nhạc cụ và các giá trị văn hóa bản địa để giới thiệu, dạy cho học sinh. Ông Hồ Văn Tiêu là một trong những người rất tích cực giúp các trường truyền dạy các giá trị văn hóa đặc sắc ấy, qua đó giúp học sinh hiểu hơn về những di sản văn hóa phi vật thể truyền thống của quê hương.
Chủ tịch UBND xã Kim Thủy Hoàng Văn Lình cho biết, nghệ nhân Hồ Văn Tiêu là người có công lớn trong sự nghiệp bảo tồn, phục hồi bản sắc văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã vùng cao Quảng Bình. Ông thông thuộc, am hiểu các điệu hát dân ca, cách chơi nhạc cụ truyền thống và thường xuyên đến trường học dạy lại cho học sinh.
Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC