Như một đầm lầy, chủ thẻ tín dụng mắc nợ càng cố vùng vẫy tìm cách xoay xở thoát ra, họ có thể càng lún sâu bởi cách tính chồng lãi.
Thế nên mới nở rộ đủ loại dịch vụ từ nhận rút tiền đến cho vay nợ đáo hạn thẻ và linh tinh thứ khác.
Mà phần lớn các dịch vụ này đều là dịch vụ “đen”, có khi không ngấm ngầm mà công khai hoạt động, thậm chí khá rầm rộ trên các trang mạng xã hội.
Loạn giá, loạn dịch vụ
Chỉ với từ khóa “rút tiền, đáo hạn thẻ”, Facebook xổ ra cả trăm hội, nhóm liên quan các kiểu. Mà hội, nhóm nào cũng rất đông, từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn thành viên, đa phần đều là tài khoản ẩn danh.
Các hoạt động mời chào kiếm người có nhu cầu tìm dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, vay tiền đáo hạn kỳ hạn thanh toán nợ thẻ tín dụng gần như diễn ra công khai, sôi động trên các hội, nhóm này. Thậm chí, có những tài khoản trên này còn cam kết “các hoạt động trên luôn diễn ra trong minh bạch, an toàn, nhanh gọn trong vài nốt nhạc”.
Những bài đăng trên các hội, nhóm ấy đều có nội dung na ná nhau. Đại loại kiểu “Bạn đang có thẻ tín dụng và đang cần hỗ trợ rút thẻ nhanh, đáo hạn thẻ nhanh tại TP.HCM và TP Thủ Đức. Tại đây chúng tôi có hỗ trợ dịch vụ hỗ trợ rút từ thẻ tín dụng, rút 100% hạn mức thẻ, giao tận nơi, bảo mật tuyệt đối thông tin khách hàng”…
Lần mò qua vài hội nhóm, chúng tôi kết nối được với một tài khoản xưng tên là Tuấn. Tuấn tự giới thiệu làm chủ của một loạt cơ sở nhận rút tiền, vay đáo hạn nợ tín dụng tại các quận Bình Thạnh, Bình Tân và TP Thủ Đức.
“Chúng tôi hiện đang cung cấp dịch vụ rút 100% hạn mức thẻ sang tiền mặt với mức phí 3% giao dịch. Với dịch vụ vay đáo hạn nợ tín dụng, hạn mức vay cao nhất khoảng 300 triệu đồng/lần, lãi suất tùy thuộc vào giá trị khoản vay, dao động từ 2,5 – 7%” – Tuấn nhanh nhảu giới thiệu.
Một tài khoản khác, Khánh An Đoan Đoan chào mời dịch vụ “đáo hạn, rút tiền thẻ tín dụng phí rẻ nhất Sài Gòn” với phí rút tiền mặt chỉ 1,6%, còn phí vay nợ đáo hạn là 1,7%. Tài khoản này cam kết “hỗ trợ tận nhà, cung cấp dịch vụ lưu thẻ để đáo hạn hằng tháng, tránh thủ tục nhiều lần”.
Trong khi tài khoản khác nữa – Thu Hồng – chào phí dịch vụ nhận rút, đáo hạn thẻ tín dụng 1,8%, phí rút ví trả sau 3% kèm cam kết “mọi giao dịch đều có hóa đơn”. Tài khoản Thu Hồng còn nhận chuyển đổi các khoản nợ xấu thành trả góp 12 hoặc 24 tháng với lãi suất từ 1,25%/tháng, tương đương mức lãi suất thấp nhất 15%/năm.
Biết vi phạm, lãi cao nhưng đành chấp nhận
Việc phải tìm đến các hội, nhóm rút tiền, vay đáo hạn trên Facebook với anh Cường (quận 7, TP.HCM) được xem là bước đường cùng. Cũng bởi nợ hai thẻ tín dụng đang quá hạn gần 170 triệu đồng và hầu như không có khả năng chi trả sau khi xoay đủ đường.
Cường cho biết vì làm ăn thua lỗ mới dẫn đến cớ sự. Anh tính vay trả hết số nợ tới kỳ thanh toán của hai thẻ, sau đó lại nhờ dịch vụ rút tiền mặt để xoay xở làm ăn.
“Biết là phạm pháp, lãi cao ngất ngưởng đó nhưng đành chấp nhận vì mình đâu còn cách nào” – Cường nói.
Chị Lê Hồng Ngọc – chuyên viên kinh doanh tín dụng một ngân hàng thương mại tại TP.HCM – nói việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là một tính năng của loại thanh toán này.
Hoạt động chỉ được xem là hợp pháp trong trường hợp chủ thẻ thực hiện hoạt động tại các điểm giao dịch ngân hàng, máy ATM (không vượt quá 80% hạn mức thẻ).
Tuy nhiên, phần lớn ngân hàng đều khuyến cáo người dùng hạn chế rút tiền mặt từ thẻ tín dụng vì mức phí rút tiền rất cao (khoảng 4% trên tổng số tiền rút) cộng với mức lãi suất được tính rơi vào khoảng 20 – 30%/năm, bắt đầu từ thời điểm rút tiền thành công.
Một số ảnh hưởng khác như có thể bị giảm hạn mức tín dụng, khó kiểm soát các khoản chi tiêu, điểm tín dụng…
Còn dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng qua các kênh trung gian dịch vụ là vi phạm pháp luật. Hoạt động ấy tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo tài chính bởi khi đồng ý sử dụng dịch vụ, chủ thẻ phải cung cấp thông tin cá nhân gồm số thẻ, căn cước công dân, mã bảo mật của thẻ…
Từ các thông tin này, các đối tượng sẽ tạo một số giao dịch ảo dưới tên chủ thẻ nhằm thực hiện hành vi rút tiền qua máy POS (thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng) được ngụy trang thành giao dịch quẹt thẻ chi tiêu thông thường.
“Nhiều trường hợp kẻ gian rút đi số tiền lớn hơn số khách hàng cần và không báo lại cho chủ thẻ, từ đó dẫn đến những khoản nợ quá hạn tín dụng lớn” – chị Ngọc cảnh báo.
Xóa nợ xấu được không?
Anh Nhật Đăng – chuyên viên phòng tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần tại quận Tân Bình (TP.HCM) – cho biết nợ xấu sẽ xóa được trong trường hợp phải hoàn tất các khoản nợ cả gốc và lãi. Trong trường hợp đã hoàn tất các khoản nợ, người dùng cần yêu cầu ngân hàng xác nhận việc hoàn tất trả nợ, tránh trường hợp ảnh hưởng đến điểm tín dụng.
Đối với các khoản nợ dưới 10 triệu đồng và đã được trả hết thì sau một năm, lịch sử tín dụng của người vay sẽ được khôi phục, đáp ứng đủ điều kiện tiếp tục vay nợ.
Tuy nhiên, thời gian để xử lý, “xóa tích nợ xấu” đối với các khoản nợ xấu có giá trị lớn thường phải mất 5 năm.