Trước dịch Covid-19, Gong Chengqiang, 30 tuổi, từng làm việc cho một công ty công nghệ với thu nhập khoảng 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD) mỗi năm. Tuy nhiên, sau dịch, chàng trai này quyết định trở về quê lập nghiệp bằng việc trồng cây ăn quả.
Gong mong muốn thay đổi hương vị, chất lượng và giá cả của 20 loại trái cây khác nhau. Anh cam kết thực hiện ý tưởng này nhưng phải vật lộn với cảm giác đơn độc, đặc biệt là khi bố mẹ thất vọng với quyết định của anh.
“Gia đình nhà nội tôi cả đời làm nông. Mong muốn của họ là con cái sẽ có một cuộc sống khác và họ tự hỏi tại sao gia đình đã vất vả cho tôi ăn học bao nhiêu năm nay nhưng cuối cùng tôi lại quyết định trở về làm nông”, Gong tâm sự.
Hàng chục năm qua, những người như cha mẹ của Gong đã chuyển đến làm việc ở các thành phố của Trung Quốc, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại, những người trẻ tuổi đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng thất nghiệp khiến 1/5 trong số họ thất nghiệp.
Những gia đình đầu tư vào giáo dục đại học cho con cái với hứa hẹn về một cuộc sống trung lưu giờ đây thấy hy vọng của họ ngày càng mờ nhạt.
“Thời điểm năm 2014 khi tôi tốt nghiệp, kể cả một sinh viên trung bình, không có kinh nghiệm như tôi cũng có rất nhiều cơ hội việc làm và hoàn toàn có thể làm việc ở một công ty tốt”, Gong cho biết và nói thêm rằng mọi thứ hiện giờ trở nên khó khăn hơn.
Nông thôn Trung Quốc hiện là nơi thay thế để giới trẻ nước này tìm việc làm.
Một số thanh niên hài lòng với môi trường làm việc ở các vùng nông thôn nhờ những lợi thế như chi phí sinh hoạt thấp, sự ổn định cao.
Wang Zhihao, 24 tuổi, cho biết anh cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc tại một vùng quê ở Quảng Đông. Trước kia, khi sống ở thành phố, anh phải dành toàn bộ tiền lương thực tập cho chi phí ăn uống, thuê nhà và phải mất một giờ di chuyển để đi làm.
“Ở Quảng Châu, nhiều thứ quá đắt đỏ. Giá nhà, chi phí sinh hoạt hàng ngày cũng khiến tôi nghẹt thở”, Wang nói.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người nhiều năm đã kêu gọi thanh niên giúp “hồi sinh nông thôn”, đã tăng cường những lời kêu gọi như vậy trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 5, tỉnh Quảng Đông đã công bố kế hoạch thí điểm tuyển sinh 300.000 sinh viên tốt nghiệp ở các vùng nông thôn vào năm 2025.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, việc đưa sinh viên tốt nghiệp ra khỏi các thành phố nơi phát triển đổi mới công nghệ có nguy cơ làm suy yếu tăng trưởng hơn nữa, đồng thời quá trình đô thị hóa chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu về nhà mới, một yếu tố đóng góp chính cho nền kinh tế.
Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể đạt được nhiều thành tựu hơn bằng cách mở cửa nền kinh tế và thúc đẩy khu vực tư nhân.