Cậu em ấy là điển hình của một bộ phận giới trẻ hiện nay, tuy có chuyên môn nhưng thiếu các kỹ năng khác. Có thể đây cũng là lý do một số sinh viên học giỏi, ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng vẫn phải chật vật tìm việc làm. Chưa bàn đến việc đào tạo, điểm số có thực chất hay không, ở đây có sự khác biệt giữa trường học và trường đời. Một số chuyên gia nói khác biệt ấy thể hiện ở thứ sinh viên ít được học: các kỹ năng mềm.
Khảo sát của tổ chức nghiên cứu và thay đổi xã hội vùng Love Frankie và Công ty nghiên cứu Indochina Research Ltd thực hiện cho thấy, nhiều người trẻ Việt Nam thiếu kỹ năng quan trọng như giao tiếp, sáng tạo, làm việc nhóm…
Theo khảo sát, giáo dục chính quy dường như chưa cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ và cần thiết cho người trẻ để có thể được tuyển dụng. Khi được hỏi về 3 kỹ năng quan trọng nhất khi đi làm, những người tham gia khảo sát đã chọn kỹ năng giao tiếp (78%), cùng các kỹ năng mềm khác như sáng tạo (48%), làm việc nhóm (35%), quản lí thời gian (21%), tư duy phân tích (21%) và kỹ năng liên nhân, tức khả năng làm việc tốt với những người khác (21%). “Kỹ năng giao tiếp quan trọng nhưng không trường nào dạy” – một thiếu niên thuộc nhóm tuổi 16 – 19 ở Hà Nội nói với người khảo sát.
Thiếu kỹ năng mềm là vấn đề mà nhiều nhà tuyển dụng nêu ra trong các hội chợ việc làm. Họ cho rằng thanh niên Việt Nam hiện nay có kiến thức, chuyên môn nhưng những thứ đó chỉ quyết định 25% thành công, 75% còn lại do các kỹ năng mềm quyết định.
Theo một học giả của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, giáo dục truyền thống ở Việt Nam chú trọng việc trang bị tri thức đã kinh điển hóa và giáo dục đạo đức, hành vi để đối tượng được giáo dục có thể hoàn thiện về nhân cách, đóng góp cho xã hội. Nhưng vị tiến sĩ này cho rằng giáo dục thời hiện đại không chỉ là làm giàu tri thức một cách có hệ thống mà còn phải tạo ra nhu cầu và năng lực tự học suốt đời, đi cùng với trang bị về kỹ năng sống và hoàn thiện đạo đức cá nhân.
Theo ông, học sinh Việt Nam giỏi theo nghĩa là phải học tập trung quá nhiều vào một chủ đề nào đó, một môn nào đó. Việc này có cái hay là nếu học sinh có tài năng, tài năng ấy sẽ được đẩy bật lên, thậm chí là tối đa. Nhưng cái dở là biến học sinh thành những cá nhân chỉ biết rằng mình cần học giỏi, ngoài ra kém những cái khác cũng không vấn đề gì.
Các ý kiến kể trên cho thấy thiếu kỹ năng mềm là hệ quả của một hệ thống giáo dục thiên về lý thuyết. Các chương trình tập trung vào kiến thức chuyên môn, ít chú trọng đến kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện.
Trong khi đó, môi trường học tập chưa tạo ra cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm, cụ thể là ít hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, chương trình tình nguyện… Áp lực về điểm số, kết quả cao khiến sinh viên dành nhiều thời gian cho việc học tập lý thuyết, ít thời gian rèn luyện kỹ năng mềm…
Học chữ nghĩa, kiến thức hay học các kỹ năng mềm, suy cho cùng đều là học để làm người. Kiến thức, kinh nghiệm và các kỹ năng mềm kết hợp lại giúp người ta tin tưởng vào bản thân, dám chấp nhận thử thách và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, linh hoạt trong mọi tình huống, dễ dàng hòa nhập với môi trường mới và thành công trong cuộc sống.
Do vậy, đẩy mạnh đào tạo, trang bị các kỹ năng mềm cho thanh niên, là việc mà ngành giáo dục và các cơ quan liên quan cần chú trọng.