Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người trẻ theo đuổi con đường hòa giải

(PLVN) - Họ là những người trẻ theo học ngành Luật và đã giành giải thưởng Nhất, Nhì tại Cuộc thi viết quốc tế về hòa giải do Quỹ Weinstein International phối hợp với Viện Trọng tài quốc tế Việt Nam, Trường Đại học Luật - Đại học Huế và Trung tâm hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam tổ chức.

Báo Pháp Luật Việt NamBáo Pháp Luật Việt Nam13/04/2025

Phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến trong tương lai

Sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Luật Hà Nội Trần Thị Vân Hà, hiện tham gia vào hai câu lạc bộ ở trường, đó là CLB Tranh tụng - The Moot Club và CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học - Law Research Club. Vừa giành Giải Nhất trong cuộc thi này, Hà cho biết thích hoạt động hoà giải từ lâu và khi có cuộc thi viết quốc tế cho hoạt động hòa giải, cô tham dự ngay.

Theo Vân Hà, ý tưởng của mình về bài viết để có được chiến thắng cao nhất: “Cuộc thi viết quốc tế về hòa giải thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ đối với em. Đây chính là cuộc thi đầu tiên em tham gia kể từ khi bước chân vào Trường Luật. Trước khi đăng ký thi, em đã băn khoăn, lo lắng rất nhiều bởi lúc đó, em vừa vào năm 2 và còn thiếu rất nhiều kiến thức chuyên môn về luật. Hơn nữa, hòa giải thương mại còn là một lĩnh vực khá mới ở Việt Nam, do vậy, việc tìm hiểu thông tin gặp rất nhiều khó khăn”.

Sinh viên Trần Thị Vân Hà. (Ảnh: CVCC)

Sinh viên Trần Thị Vân Hà. (Ảnh: CVCC)

Hà bày tỏ, bài viết của mình là một đề thi khó mang tầm quốc tế và phải tổng hợp nhiều tư liệu để đưa ra phương án hòa giải thành công: “Đề thi năm nay là về tranh chấp giữa một bên là Hiệp hội nhà sản xuất sữa và một bên là Hiệp hội ngành công nghiệp sữa, bao gồm 04 công ty đa quốc gia lớn chuyên sản xuất các chế phẩm từ sữa (kem, bơ, phô mai...). Tranh chấp xảy ra khi Hiệp hội ngành công nghiệp sữa từ chối thỏa thuận lại giá mua sữa trong hợp đồng mua bán và Hiệp hội nhà sản xuất sữa phản bác lại bằng việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Các thí sinh phải hóa thân làm luật sư đại diện cho khách hàng là Hiệp hội nhà sản xuất sữa để viết một bản tóm tắt hòa giải nhằm chuẩn bị cho phiên xử lý tranh chấp bằng hòa giải sắp tới.

Khi đọc đề, em đã phải xác định trước một số vấn đề như tình tiết cơ bản của vụ tranh chấp là gì, lịch sử đàm phán của hai bên ra sao, mong muốn, nguyện vọng của mỗi bên như thế nào, điểm yếu, điểm mạnh của mỗi bên cũng như vật cản dẫn tới một thỏa thuận thành là gì… Đây chính là những ý chính em cần phân tích trong bản tóm tắt hòa giải để có thể đưa ra gợi ý về thỏa thuận cuối cùng phù hợp với nguyện vọng của cả hai bên trong tranh chấp.

Để làm được điều này, em đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, từ các bản án, các văn bản pháp luật, sách, tạp chí bình luận về các vấn đề pháp lý liên quan, cho đến các video về phiên họp hòa giải, các cuộc thi hòa giải... Tất cả những nguồn này đã trang bị cho em những kiến thức nền tảng về quy trình hòa giải và giúp em hoàn thiện bài thi của mình. Hà chia sẻ rằng sau khi ra trường, sẽ theo học luật sư và tiếp tục theo đuổi công việc của một hòa giải viên.

Hòa giải không phải là cuộc chiến để giành phần thắng tuyệt đối

Nguyễn Hoàng Minh Châu vừa tốt nghiệp chuyên ngành Luật Thương mại Quốc tế tại Trường Đại học Luật TP HCM đã nhận giải Giải Nhì tại cuộc thi này lại có nhận định thú vị về công việc hòa giải: “Trước đây, khi tham gia các cuộc thi mô phỏng phiên tòa và trọng tài giả định, em thường suy nghĩ theo lối tư duy thắng - thua, đặt nặng việc lập luận để giành lợi thế tối đa cho một bên. Nhưng khi biết đến hòa giải thương mại, em bắt đầu nhìn nhận tranh chấp theo một góc độ khác - một tranh chấp không nhất thiết phải có kẻ thắng, người thua, mà hoàn toàn có thể tìm ra một giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Điều đó thôi thúc em tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật thương lượng, đàm phán và xây dựng giải pháp đôi bên cùng có lợi. Em đặc biệt hứng thú với việc tìm ra những điểm giao thoa giữa lợi ích của các bên, từ đó đề xuất hướng đi giúp họ đạt được một thỏa thuận công bằng, thực tế và bền vững”.

Châu cho rằng ở cuộc thi này là nó không chỉ đơn thuần về pháp lý, mà còn đòi hỏi tư duy chiến lược và khả năng đàm phán. Dù trong kinh doanh hay trong cuộc sống, hòa giải là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta giải quyết xung đột một cách thông minh và nhân văn hơn. Hòa giải trong tố tụng là một phương thức giải quyết tranh chấp mang đậm tính nhân văn và thực tiễn. Trong bối cảnh pháp lý hiện nay, hòa giải không chỉ giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên mà còn thúc đẩy sự hợp tác, giảm thiểu căng thẳng và duy trì mối quan hệ giữa các bên tranh chấp. Đặc biệt, trong các lĩnh vực như kinh doanh, thương mại, hòa giải góp phần tạo ra một môi trường làm ăn lành mạnh, nơi các doanh nghiệp có thể ngồi lại với nhau để tìm kiếm giải pháp thay vì đối đầu căng thẳng tại tòa án hoặc trọng tài.

“Lợi ích rõ ràng nhất của hòa giải là tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức. So với quá trình tố tụng kéo dài, hòa giải mang đến sự linh hoạt, giúp các bên tự chủ trong việc tìm ra giải pháp mà không phải phụ thuộc hoàn toàn vào phán quyết của tòa án hay trọng tài. Ngoài ra, việc tự nguyện thực hiện các thỏa thuận hòa giải giúp giảm gánh nặng cho hệ thống tư pháp và tăng tỷ lệ thực thi hiệu quả hơn so với bản án cưỡng chế”, Châu tin tưởng vào công việc hòa giải.

Nguyễn Hoàng Minh Châu. (Ảnh: CVCC)

Nguyễn Hoàng Minh Châu. (Ảnh: CVCC)

Nói về những khó khăn của người trẻ đi theo con đường hòa giải viên, Châu cho biết cần có sự cải tổ về mặt luật pháp cũng như nhận thức của người dân khi tham gia tố tụng như: hệ thống pháp luật vẫn chưa có sự thống nhất cao về các quy định liên quan đến hòa giải, dẫn đến sự không đồng đều trong việc áp dụng tại các tòa án khác nhau; nhận thức của nhiều cá nhân và tổ chức về hòa giải còn chưa đầy đủ, khiến họ e ngại sử dụng phương thức này thay vì theo đuổi các thủ tục tố tụng truyền thống.

“Trong tương lai, em tin rằng hòa giải sẽ ngày càng phát triển nếu chúng ta có những cải tiến phù hợp. Trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, giúp các bên dễ dàng tiếp cận và thực hiện hòa giải một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên là vô cùng quan trọng. Một hòa giải viên không chỉ cần am hiểu luật mà còn phải có khả năng thuyết phục, khéo léo trong đàm phán và tạo dựng niềm tin giữa các bên tranh chấp.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của hòa giải. Khi mọi người hiểu rằng hòa giải có thể mang lại giải pháp nhanh chóng, linh hoạt và công bằng hơn, họ sẽ sẵn sàng lựa chọn phương thức này thay vì đối đầu trong các phiên tòa hay phiên trọng tài kéo dài. Ngoài ra, việc áp dụng các phương pháp hiện đại như trọng tài kết hợp với hòa giải sẽ giúp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp, đồng thời phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế.

Hòa giải không chỉ là một công cụ pháp lý, mà còn là một cách tiếp cận nhân văn để giải quyết mâu thuẫn, thúc đẩy sự hợp tác và góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển bền vững. Để hòa giải thực sự trở thành một trụ cột trong hệ thống tư pháp, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên và khuyến khích mạnh mẽ hơn việc áp dụng phương thức này trong thực tế”, Châu khẳng định.

Châu là người kiên định muốn phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực “giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)”, bao gồm cả hòa giải và trọng tài.

“Đối với em, việc trở thành một hòa giải viên hay trọng tài viên được các bên tin tưởng mời hoặc được các trung tâm chỉ định là một niềm vinh dự lớn. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, em biết mình cần phải không ngừng trau dồi chuyên môn và hoàn thiện các kỹ năng như thương lượng, đàm phán, lắng nghe và phân tích vấn đề một cách khách quan. Em tin rằng, khi mình thực sự giỏi và có đủ kinh nghiệm, những cơ hội như vậy sẽ đến một cách tự nhiên như một hệ quả tất yếu. Hiện tại, em đang tập trung vào việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm để chuẩn bị cho hành trình dài phía trước. Em cũng hy vọng rằng, trong tương lai, mình có thể đóng góp vào sự phát triển của ADR tại Việt Nam, giúp mọi người tiếp cận với những giải pháp tranh chấp hiệu quả và chất lượng hơn”, theo Châu.

Nguồn: https://baophapluat.vn/nguoi-tre-theo-duoi-con-duong-hoa-giai-post545156.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4
36 khối quân đội, công an hợp luyện diễu binh đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm