Sau kỳ thi cuối kỳ, Wang Yatao (22 tuổi) ngay lập tức chuyển đến Viện dưỡng lão Xiyangfu ở TP Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) để trở thành “khách trọ” đặc biệt, trong nhóm học sinh cuối cấp cùng đến đây.
Chàng sinh viên năm hai của trường Đại học Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp Cát Lâm quyết định dành 2 tuần tại viện dưỡng lão trước khi trở về quê hương ở thành phố Yingtan, tỉnh Giang Tây.
“Tôi bị thu hút bởi một đoạn video ngắn đăng tải trên mạng xã hội vào đầu tháng 1. Trong video, chủ viện dưỡng lão đang tuyển những người trẻ tuổi đến làm người ở trọ”, Wang nói.
Tại viện dưỡng lão này, những người dưới 35 tuổi và có trình độ đại học sẽ được cấp một phòng đơn, 3 bữa/ngày và trợ cấp 300 NDT (hơn 1 triệu đồng), với yêu cầu thực hiện 20 giờ phục vụ tình nguyện.
Ngoài ra, ứng viên phải có một công việc ổn định trước đó hoặc đang học đại học; không được uống rượu hoặc hút thuốc.
Wang nói: “Trên thực tế, điều thu hút tôi không phải là khoản trợ cấp mà là hoạt động tình nguyện”.
Được biết, chàng trai đã tham gia đội tình nguyện kể từ khi lên đại học. Wang đã cùng nhóm tình nguyện khởi xướng nhiều hoạt động khác nhau trên khắp thành phố. Chẳng hạn như đến thăm các viện dưỡng lão; dạy kèm cho trẻ em nghèo khó hoặc bị bỏ rơi…
“Đây là một trải nghiệm tình nguyện hoàn toàn khác. Tôi chưa bao giờ sống và tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của người cao tuổi đến vậy”, Wang bộc bạch.
Wang cho biết anh và các tình nguyện viên khác đã dành vài ngày qua để thực hiện các buổi biểu diễn, vẽ tranh và tập thể dục cùng với người già.
“Nó mang lại cho tôi một cảm giác ấm áp. Họ đối xử với chúng tôi như cháu ruột, chia sẻ trái cây và đồ ăn nhẹ với chúng tôi. Tôi sẽ tiếp tục đến thăm viện dưỡng lão sau khi trở lại trường đại học vào học kỳ mùa xuân”, Wang thích thú, chia sẻ.
Zhou Weihong, chủ viện dưỡng lão, cho hay ông hy vọng sẽ xây dựng được một nền tảng cho cả người già và thanh niên. Ông Zhou nhận thấy có rất nhiều người trẻ phải xa quê để đi học và đi làm, dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều cơ hội về nhà cùng gia đình, thấu hiểu ông bà của mình.
“Sống tại viện dưỡng lão sẽ giúp người trẻ hiểu và giao tiếp với người già tốt hơn. Ngược lại, những người trẻ này có thể mang đến những điều mới mẻ, sức sống mới cho người già, khiến họ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều, như có con cháu đến thăm”, ông Zhou giải thích.
Bài đăng tuyển người ở trọ của ông đã thu hút hơn 1 triệu lượt truy cập, hàng trăm đơn đăng ký kể từ khi ông đăng tài lên mạng xã hội. Sau sàng lọc, ông Zhou đã chọn ra được 6 người, tất cả đều là sinh viên đại học đến từ TP Cát Lâm, Trường Xuân và Bạch Thành. Nhóm này sẽ dành khoảng hai tuần nghỉ phép trước Lễ hội mùa xuân để ở trong viện dưỡng lão
Bên cạnh đó, viện dưỡng lão cũng sẽ có thêm 10 người nữa đến sau lễ hội.
Viện dưỡng lão của ông Zhou mở cửa năm 2004 và là nơi chăm sóc khoảng 100 người cao tuổi (50-100 tuổi). Tại đây, có 30 nhân viên phục vụ.
Theo ông Zhou, tỷ lệ dân số già tại Trung Quốc ngày càng tăng, đặc biệt là ở vùng đông bắc. Theo Bộ Nội vụ, hơn 280 triệu người Trung Quốc (gần 20% dân số) đã trên 60 tuổi vào cuối năm 2022; hơn 210 triệu người (gần 15%) ở độ tuổi từ 65 trở lên.
“Tôi hy vọng những người trẻ sẽ có thể giảm bớt sự cô đơn, hiểu được những khó khăn của người cao tuổi và nhận thức sâu sắc hơn trong việc tôn trọng và yêu thương người già”, ông nói.