Có trong tay hai tấm bằng cử nhân, đang học thạc sĩ kinh tế tại TPHCM, anh N.V.T (34 tuổi, TPHCM) mới phát hiện mình bị suy giảm nhận thức nhanh hơn so với lứa tuổi.
Theo anh T, do áp lực từ công việc, học tập và gia đình kéo dài, thời gian nghỉ ngơi và thư giãn của anh rất ít. Ban đầu, anh chỉ bị những cơn đau đầu nhẹ thoáng qua, nhưng dần nặng hơn và cần dùng thuốc để dễ chịu. Lâu dần, anh cảm thấy mình hay quên và phản ứng chậm trong nhiều tình huống từng rất nhanh nhạy.
“Một người bạn khuyên nên đi khám, ban đầu tôi chỉ nghĩ kiểm tra xem não mình có vấn đề gì không. Sau các bài kiểm tra của bác sĩ, tôi mới biết mình đang trong giai đoạn đầu của suy giảm nhận thức và cần can thiệp sớm,” anh T chia sẻ.
Trường hợp của anh T không phải là hiếm. Tại Bệnh viện Quân y 175, hàng ngày có nhiều bệnh nhân đến Khoa Nội Thần kinh để khám. Bệnh nhân sẽ được thực hiện các bài kiểm tra ở nhiều mức độ khác nhau nhằm đánh giá và đưa ra một chiến lược điều trị toàn diện.
Theo Th.S.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa – Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, hiện nay, nhận thức của người dân về căn bệnh này còn hạn chế, thường nghĩ đây là bệnh của người lớn tuổi, không biết rằng bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị để làm chậm quá trình tiến triển, thậm chí đảo ngược.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến nhóm bệnh nhân có suy giảm nhận thức nhẹ. Ở nhóm này, nếu được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể được đảo ngược. Tuy nhiên, đáng buồn là nhóm này ít được quan tâm và điều trị sớm. Ở giai đoạn này, bệnh nhân thường gặp các vấn đề như lơ đãng, mất tập trung…, không cấp bách như đột quỵ nên thường bị bỏ qua”, bác sĩ Trọng Nghĩa cho biết thêm.
Đại tá, PGS.TS Trương Đình Cẩm – Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 – cho biết: “Dân số Việt Nam ngày càng có xu hướng già hoá. Trong đó, suy giảm trí nhớ, khả năng học tập, giải quyết vấn đề, hay nói chung là suy giảm nhận thức, là một tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi. Tôi dám chắc rằng, không chỉ ở Bệnh viện Quân y 175, mà ở nơi quý vị công tác, cũng sẽ thường đối mặt với những người bệnh lớn tuổi than phiền hay quên, thay đổi tính nết, hoặc có những biểu hiện hoang tưởng, dễ kích thích.
Khi nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao, họ hiểu rằng những tình trạng này là bệnh lý và cần đến gặp nhân viên y tế để được hỗ trợ sớm. Việc chẩn đoán và điều trị suy giảm nhận thức tại bệnh viện đa khoa cũng cần được triển khai mạnh hơn, nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu để mở rộng phát hiện sớm cho bệnh nhân là điều trị cần thiết”.
Nguồn: https://laodong.vn/y-te/benh-suy-giam-nhan-thuc-nguoi-tre-cung-mac-nhung-it-duoc-quan-tam-1359414.ldo