Trong khuôn khổ Hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/7 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: “Xu hướng tiêu dùng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững”.
Bộ Công Thương tích cực triển khai đề án tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững
Chia sẻ tại phiên thảo luận bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Trong bối cảnh năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt một đề án quan trọng liên quan trực tiếp đến chủ đề “Xu hướng tiêu dùng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững”. Đây cũng là chương trình hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Toàn cảnh phiên thảo luận với chủ đề: “Xu hướng tiêu dùng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững” |
Trong đó mục tiêu là sẽ đưa ra chương trình hành động để có được hệ thống từ sản xuất, chế biến đến phân phối và tiêu dùng thực phẩm minh bạch trách nhiệm và bền vững, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa theo hướng bảo vệ môi trường có trách nhiệm với cộng đồng và sức khỏe của người dân.
Bản thân người tiêu dùng cũng còn có trách nhiệm đối với việc là sử dụng thực phẩm sao cho bảo vệ được môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã phân công 3 Bộ chủ trì để triển khai chương trình là Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế. Đây là xu hướng tất yếu để hệ thống sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu dùng thực phẩm tại Việt Nam từ nay đến năm 2030.
Bộ Công Thương đã có 2 văn bản quan trọng đang triển khai và được các doanh nghiệp hỗ trợ rất tích cực. Thứ nhất là kế hoạch hành động quốc gia về việc triển khai chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045; Thứ hai là Bộ trưởng Bộ Công Thương tháng 12/2022 cũng ban hành chương trình hành động quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) |
Cũng trong phiên thảo luận, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) đã có những đánh giá về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Bà cho rằng: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2013 đã được thông qua vào năm ngoái và chính thức có hiệu lực từ ngày mùng 1/7. Luật được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành hơn 92%, tức là các đại biểu khi bỏ phiếu cũng đều ý thức rất rõ rằng là họ cũng là một người tiêu dùng. Bản thân các doanh nghiệp khi là nhà sản xuất thì cũng là một người tiêu dùng.
Điểm đặc biệt trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngoài rất nhiều những nhóm đối tượng khác thì riêng về sản xuất và tiêu dùng bền vững là 1 trong 7 chính sách, ngay từ lúc mà xây dựng dự án dự Luật đã được đưa ra và cụ thể hóa ở một số điều. Như ngay từ Điều 7 quy định người tiêu dùng có quyền được hưởng những chính sách về sản xuất tiêu dùng bền vững và sau đó cụ thể hóa từ Điều 75 đến Điều 77 của Luật mới.
Mong muốn doanh nghiệp đồng hành
Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, trước khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành chúng tôi đã triển khai chương trình chương trình thúc đẩy sản xuất tiêu dùng bền vững cùng với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) |
Ngay từ những năm đầu tiên chúng tôi ý thức rất rõ là sản xuất hay tiêu dùng thì cuối cùng cũng phải có đầu ra, phải có chỗ người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm thì mới thúc đẩy được sản xuất. “Trong luật chúng tôi đưa ra có 2 khái niệm. Cụ thể, quyền lợi của người tiêu dùng, đó là người tiêu dùng được quyền hưởng những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xanh, nhưng ngược lại người tiêu dùng cũng có trách nhiệm trong đó, vì thế việc tuyên truyền, phổ biến rất quan trọng. Mong rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng để chúng ta chung tay bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng“- bà Nguyễn Quỳnh Anh nói.
Trong khi đó, bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp đã thực hiện các cam kết phát triển bền vững trong thời gian qua. Việc phát triển bền vững sẽ đem lại giá trị đích thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Nestle Việt Nam đưa ra mô hình phát triển bền vững, tái sinh, tập trung vào chống biến đổi khí hậu, thu mua có trách nhiệm, có bộ nguyên tắc tiêu chí thu mua, làm sao toàn bộ chuỗi cung ứng giảm phát thải nhất và thực hiện nông nghiệp tái sinh, bảo tồn nguồn nước, phát triển bao bì bền vững…
“Nestle Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi 100% ống hút cho sản phẩm uống liền từ nhựa dùng 1 lần bằng ống hút giấy từ nguồn trồng rừng bền vững”, bà Lê Thị Hoài Thương cho biết.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Quản lý Đối ngoại cấp cao Nestle Việt Nam |
Còn bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (Siêu thị GO!, Big C, Top Market) cho hay, bên cạnh hoạt động trọng yếu là bán lẻ là phát triển kinh doanh, Central Retail rất chú trọng phát triển tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững. Siêu thị với hơn 30.000 sản phẩm đã có sự chuyển biến rõ rệt, có nhiều hơn sản phẩm xanh, bao bì xanh ở nhiều ngành hàng… Đây là bước ngoặt lớn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong làm việc với các nhà cung cấp. Theo bà Phương, hiện nay, người tiêu dùng đã sẵn sàng chi tiêu cho tiêu dùng xanh, chung tay cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình không sử dụng túi nilon, sẵn sàng dùng thùng carton với đơn hàng lớn.
Bà Nguyễn Thị Mai Phương – Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail (siêu thị GO!, Big C, Top Market) |
“Tại các điểm gần vị trí gửi xe, chúng tôi cùng các đối tác đặt các máy thu gom tái chế từ chai nhựa hay lon nhôm, hướng dẫn khách hàng phân loại rác tại nguồn… Ngoài hài lòng với dịch vụ, sản phẩm, nhưng khách hàng còn hài lòng vì họ đã đóng góp và chung tay một phần cho phát triển tiêu dùng xanh và bền vững. Chúng tôi không chỉ là doanh nghiệp bán lẻ mà còn là doanh nghiệp phát triển bền vững”, bà Nguyễn Thị Mai Phương chia sẻ.
Bà Lê Việt Nga thông tin thêm, qua các báo cáo có thể thấy các chính sách đang đi vào cuộc sống chứ không phải chỉ là những “chính sách phòng lạnh” và không được doanh nghiệp hưởng ứng. Các doanh nghiệp đều nhận thức được trách nhiệm của mình cũng như đồng thời thấy được thuận lợi. Khi kinh doanh an toàn thực phẩm, kinh doanh những mặt hàng thân thiện với môi trường thì chúng ta đã có được “tệp” khách hàng rất ưu ái và người tiêu dùng cũng nhận thức được vấn đề tiêu dùng xanh.
Nguồn: https://congthuong.vn/xu-huong-tieu-dung-xanh-tieu-dung-ben-vung-nguoi-tieu-dung-thay-doi-doanh-nghiep-chuyen-minh-333077.html