Xu thế tiêu dùng thiết bị tiết kiệm điện
Anh Phạm Văn Nhân (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, để tiết kiệm điện gia đình mới lắp đặt 1 chiếc điều hòa nhiệt độ theo công nghệ biến tần (inverter) thay thế cho dòng điều hòa cũ.
“Các thiết bị đồ điện của gia đình tôi đang sử dụng chủ yếu được lắp đặt từ ngày về nhà mới cách đây đã 15 năm. Ngày đó công nghệ chưa phát triển nên các thiết bị điện chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng, chưa ưu tiên tiết kiệm điện. Với các thiết bị điện đã và đang sử dụng, trung bình từ đầu năm đến nay, hàng tháng, gia đình tôi phải chi trả hơn 1 triệu đồng hóa đơn tiền điện. Nhận thấy việc duy trì sử dụng các thiết bị điện lạc hậu là một phần nguyên nhân gây tiêu tốn điện năng, gia đình tôi đang dần thay thế các thiết bị điện như: Đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ công nghệ cũ sang các loại thiết bị tiết kiệm điện”, anh Nhân cho biết.
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những thiết bị tiết kiệm điện
Còn bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cửa hàng bày bán các thiết bị điện tại đường Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Thông qua các kênh thông tin truyền thông, qua tập huấn, tuyên truyền nên người dân dần thay đổi ý thức, thói quen trong sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Những năm trước khi chọn mua các thiết bị tiết kiệm điện, khách hàng đều băn khoăn về giá sản phẩm cao hơn các sản phẩm không tiết kiệm điện cùng loại. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nhận thấy rõ hiệu quả của các thiết bị tiết kiệm điện mang lại, họ thay đổi quan niệm mua sắm và cứ người nọ lại mách người kia. Bây giờ, cửa hàng của tôi chủ yếu bán các sản phẩm, thiết bị tiết kiệm điện để người dân có thể thoải mái lựa chọn mà không lo bị “ế” hàng như mấy năm trước.
Hiện nay, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen sử dụng tiết kiệm điện và đặc biệt là hướng đến ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Qua khảo sát tại một số siêu thị điện máy và cửa hàng kinh doanh các thiết bị điện gia dụng, dễ dàng nhận thấy các sản phẩm tiết kiệm điện được người dân quan tâm tìm hiểu và lựa chọn.
Dễ dàng chọn lựa
Không mất quá nhiều thời gian, anh Nguyễn Mạnh Quyền, sống tại Nam Từ Liêm, Hà Nội đã chọn 1 máy điều hòa nhiệt độ ông suất 9.000 BTU được dán nhãn năng lượng của Bộ Công Thương. Anh Quyền chia sẻ: “Việc chọn lựa những sản phẩm tiết kiệm năng lượng giờ đây thật dễ dàng, vì các sản phẩm đã được dán nhãn năng lượng và đã được kiểm định theo đúng tiêu chuẩn”.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Người tiêu dùng khi lựa chọn mua phương tiện, thiết bị chỉ cần nhìn vào nhãn năng lượng được dán trên bền mặt sản phẩm là có thể mua được những sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, nhãn năng lượng còn có thể trở thành hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn các phương tiện, thiết bị lạc hậu, hiệu suất năng lượng thấp, đồng thời, tạo ra sức ép thúc đẩy các nhà sản xuất đưa ra thị trường các sản phẩm có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng”.
Phân biệt nhãn năng lượng
Để việc tiết kiệm năng lượng thật sự hiệu quả, ngoài việc lựa chọn các sản phẩm có dán nhãn năng lượng, người tiêu dùng cần phân biệt rõ các loại nhãn năng lượng để chọn được sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
“Hiện nay trên thị trường, có 3 loại nhãn năng lượng đó là nhãn năng lượng nhận biết, loại nhãn này cho biết mức năng lượng tiêu thụ tối thiểu mà doanh nghiệp đã đạt được để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường. Loại thứ 2 là nhãn năng lượng so sánh, càng nhiều sao càng tiết kiệm, giữa các mức sao sẽ có sự khác nhau về hiệu suất năng lượng, từ 1 sao đến 5 sao. Loại thứ 3 là nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện sản phẩm hiệu suất cao nhất và tra cứu thông tin từ mã QR dán trên sản phẩm, thiết bị”, ông Đặng Hải Dũng cho biết.
Ba loại nhãn năng lượng trên thị trường hiện nay: Nhãn năng lượng nhận biết, nhãn năng lượng so sánh và nhãn hiệu suất năng lượng cao nhất (từ trái qua phải)
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình dán nhãn năng lượng, từng bước nâng mức hiệu suất năng lượng thiết bị, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư công nghệ để sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người tiêu dùng quan tâm và dễ dàng nhận biết sản phẩm hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.
Chương trình dán nhãn năng lượng và quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu tại Việt Nam được bắt đầu triển khai từ năm 2011 theo hình thức tự nguyện và chính thức áp dụng bắt buộc 2 năm sau đó (năm 2013). Chương trình này được thực hiện thông qua việc xây dựng 50 bộ tiêu chuẩn quốc gia quy định hiệu suất năng lượng cho 19 chủng loại thiết bị tiêu thụ năng lượng, trong đó có 4 chủng loại chính: sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng trong khu công nghiệp, các sản phẩm dùng trong kinh doanh và các các sản phẩm trong phương tiện giao thông. Theo khảo sát của Bộ Công Thương đã có trên 85% người tiêu dùng quan tâm, sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng. Đặc biệt, người tiêu dùng đang có xu hướng và ngày càng yêu thích, mong muốn, thậm chí là sẵn sàng chi ra một khoản tiền không nhỏ để được sử dụng những sản phẩm chất lượng tốt, tiết kiệm năng lượng, hiệu suất cao. |
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua/nguoi-tieu-dung-ngay-cang-quan-tam-lua-chon-thiet-bi-tiet-kiem-dien.html