Nhiều năm về trước, hơn một trăm hộ dân trong thôn Tàu Tiên, giống như gia đình anh Triệu Quay Phúc, sinh ra, lớn lên đều gắn bó với núi rừng. Cuộc sống và thu nhập của bà con nơi đây vẫn chủ yếu dựa vào khai thác gỗ rừng, trồng cây keo lấy gỗ.
Anh Triệu Quay Phúc cho biết, cây keo hợp đất, sống khỏe, phát triển nhanh, sớm cho thu hoạch, chỉ mất từ 5 đến 6 năm, những cánh rừng keo đã thu hoạch bán cho các doanh nghiệp làm dăm gỗ, nhưng giá bán bấp bênh, cộng với các khoản chi phí từ tiền giống, phân bón, công chăm sóc, công khai thác, tiền lãi còn lại chẳng là bao.
Nghĩ là làm, hơn 10 năm trước, bắt đầu từ 5ha rừng trồng của gia đình, anh Phúc thay thế cây keo bằng cây quế. Là loại cây phát triển trong rừng tự nhiên Tàu Tiên, cây quế hợp đất rừng trồng. Quá trình phát triển của cây khoảng 10 năm, khi trưởng thành có thể tận thu từ thân, vỏ, lá, rễ để lấy gỗ nguyên liệu và chế biến lâm sản thô, chế biến tinh chất dầu quế. Hiện đầu ra của cây quế rộng mở, thương lái đến tận rừng thu mua, vận chuyển. Giá trị mỗi ha quế trưởng thành gấp 2- 3 lần cây keo, khoảng 200 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên, do thời gian trồng cây quế phải mất hơn 10 năm mới cho khai thác, nên bà con trong thôn, xã không mặn mà lắm, bởi nhiều người dân muốn nhanh được thu hoạch để trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, để bà con thấy cái lợi của trồng quế, anh Phúc phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, rằng trồng quế hơn 10 năm, nhưng bà con chỉ phải đầu tư cây giống, công trồng, công thu hoạch một lần, sau 5 năm trồng cây sống khỏe chẳng phải lo gãy đổ do gió bão.
Chia sẻ với PV, anh Triệu Quay Phúc cho biết, cái lợi của cây quế ở Tầu Tiên đã được khẳng định. Vấn đề ở đây chỉ là tư duy, thói quen của người dân chưa chịu đổi mới để tiếp cận. Việc của mình là tiên phong làm, vận động, khích lệ, kết nối người dân cùng thực hiện. Người dân thôn Tàu Tiên vốn thạo nghề rừng, hiểu cây rừng. Trong thôn có những già làng, người DTTS uy tín hiểu biết, người trẻ năng động, sẵn sàng phối hợp với anh Phúc để phát triển rừng gỗ lớn. Nhờ vậy, những cánh rừng quế ở Tàu Tiên ngày càng được nhân rộng, tạo vùng nguyên liệu quế tập trung.
Năm 2020, anh Phúc cùng một số người đứng ra thành lập HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, gồm 11 thành viên do anh làm Giám đốc. HTX đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho 90 hộ dân trong xã với gần 180ha quế, nhiều khu rừng đã đến kỳ thu hoạch do bà con trồng từ trước đó. Từ khi thành lập đến nay, HTX đã thu mua cho bà con 400 tấn vỏ quế. Anh Phúc cùng các thành viên trong HTX lại ươm luôn giống quế bán luôn cho bà con, giúp tiết kiệm chi phí đi lại với trước đây phải ra tận huyện Tiên Yên mua quế giống.
Anh Triệu A Năm, ở thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, là một trong những hộ dân liên kết với HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, chia sẻ, từ khi liên kết làm ăn với HTX của anh Phúc, gia đình tôi có việc làm và thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong thôn trồng keo cũng chỉ đủ ăn, vì trừ nhiều loại chi phí từ cây giống, phân bón, thuê người khai thác, nên thu nhập không đáng là bao. Cây quế dễ trồng, lớn nhanh, chịu được gió bão hơn cây keo, giá trị kinh tế lớn hơn gấp 2 đến 3 lần cây keo, nhờ vậy, giúp cho đời sống bà con được cải thiện, vươn lên thoát nghèo.
Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho biết, bằng mô hình liên kết của HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Ba Chẽ, người dân xã Đồn Đạc, cũng như các địa phương lân cận vững tâm hơn với trồng rừng gỗ lớn, vươn lên làm giàu trên quê hương mình. Đây cũng là động lực để bà con sớm chuyển đổi hàng trăm ha trồng keo sang trồng quế, phù hợp với chủ trương của huyện đó là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, sản xuất tập trung, phát triển cây dược liệu và trồng cây gỗ lớn.