Tò he là đồ chơi dân gian thuần chất thôn quê đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, những người nặn tò he “biến” thứ bột nặn vô tri vô giác thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu.
Vietnam.vn xin giới thiệu đến quý vị bộ ảnh “Người thổi hồn vào tò he” của tác giả Trần Đức Hạnh. Bộ ảnh được tác giả ghi lại hình ảnh Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dành hơn 20 năm để học hỏi, nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tò he. Bộ ảnh được tác giả gửi tham dự Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu, thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đã dành hơn 20 năm để học hỏi, nghiên cứu và cải tiến các sản phẩm tò he.
Theo những người còn lưu giữ nghề tại làng Xuân La, nghề nặn tò he xuất hiện khoảng 400-500 năm trước. Trước đây, nặn tò he là một nét văn hoá dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ. Ban đầu, tò he là sản phẩm để cúng lễ nên thường có hình thù các con vật. Cũng vì thế mà tò he trước đây còn có tên gọi khác là “đồ chơi chim cò”.
Nguyên liệu làm tò he là gạo nếp, gạo tẻ đem trộn đều, ngâm nước, sau đó đem xay hoặc giã thành bột; gạo nếp thì dễ làm và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Bột thành phẩm được nhào kỹ đến khi không dính tay rồi mới nắm thành những nắm nhỏ, đem luộc chín. Nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu ở thôn Xuân La cho biết, quan trọng là kỹ thuật luộc bột và làm bột phải theo thời tiết. Mùa đông thì làm bột dẻo hơn mùa hè.
Nghệ nhân nặn tò he sẽ đem “đấu” màu và nặn hình. Màu sắc dùng để nhuộm bột cũng lấy từ nước màu có nguồn gốc thiên nhiên, từ các loại lá cây, rau củ ăn được. Chẳng hạn như màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh từ lá trầu không, lá riềng. Cần phải qua nhiều công đoạn công phu, đặc biệt khâu làm bột, thì mới làm ra được sản phẩm tò he bóng mượt và màu sắc tươi đẹp.
Không chỉ giữ lửa nghề truyền thống của làng tò he Xuân La, với tài năng và niềm đam mê, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu còn đưa nghề nặn những con giống bằng bột đến với đông đảo người dân và du khách trong và ngoài nước.
Đối với trẻ em cũng như người lớn, trong nước và quốc tế thì mọi người có thể giữ gìn những món đồ chơi đấy trong khoảng thời gian rất dài, có thể tồn tại được đến 3 năm và đồng thời là nghệ nhân Đặng Văn Hậu cũng đang tạo ra một bộ kit tò he. Đó là một bộ mà có thể tham gia vào quá trình tạo ra các sản phẩm đó và từ đó là sẽ kích thích sự sáng tạo của những người chơi, đặc biệt là trẻ em.”
Một số vùng tại miền Bắc, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi… tạo thành mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên có lẽ người ta gọi là “tò te”, sau này nói trại thành “tò he”.
Hiện nay, những nghệ nhân làng Xuân La vẫn trực tiếp làm và truyền dạy cho con cháu những sản phẩm của làng nghề.
Làng nghề nặn tò he ở Phú Xuyên là làng nghề độc đáo với nhiều nghệ nhân có đôi “bàn tay vàng”. Họ rất khéo léo, tỉ mỉ để đưa ra được sản phẩm đậm chất dân gian, giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Hiện sản phẩm tò he đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.
Người dân địa phương mong muốn UBND TP. Hà Nội, Sở Công Thương… tiếp tục có những chương trình xúc tiến, quảng bá, mở thêm những điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống để làng nghề tò he huyện Phú Xuyên nói riêng và làng nghề Hà Nội nói chung được nhiều người dân, du khách trong và ngoài nước biết đến.
Năm 2024, Cuộc thi ảnh và Video “Việt Nam hạnh phúc – Happy Vietnam” tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức trên trang web https://happy.vietnam.vn dành cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 15 tuổi trở lên. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân và tập thể có những sản phẩm thông tin tích cực, đóng góp thiết thực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về Việt Nam ra thế giới. Qua đó giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp cận những hình ảnh chân thực về đất nước, con người Việt Nam, thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, hướng tới một Việt Nam hạnh phúc.
Mỗi hạng mục dự thi (ảnh và video) có các giải thưởng và giá trị giải thưởng như sau:
– 01 Huy chương Vàng: 70.000.000đ
– 02 Huy chương Bạc: 20.000.000đ
– 03 Huy chương Đồng: 10.000.000đ
– 10 giải Khuyến khích: 5.000.000đ
– 01 tác phẩm được bình chọn nhiều nhất: 5.000.000đ
Các tác giả đạt giải sẽ được Ban Tổ chức mời tham dự Lễ công bố và trao giải thưởng và giấy chứng nhận trên sóng truyền hình trực tiếp của Đài Truyền hình Việt Nam.
Vietnam.vn