Nghệ nhân Võ Văn Bá bên bộ sưu tập nhạc cụ do mình chế tạo.
Lưu giữ bản sắc dân tộc
Dọc theo đường làng nằm cặp bờ sông Bến Tre, không khó để tìm được nhà Nghệ nhân Ba Bá. Vào thời điểm này, ông Ba đang chuẩn bị chuyển hơn 110 loại nhạc cụ làm từ dừa cho Viện Bảo tàng tỉnh Bến Tre, để trưng bày cho người dân, khách du lịch tham quan tìm hiểu.
Chia sẻ về cơ duyên để làm ra nhiều sản phẩm nhạc cụ từ cây dừa, Nghệ nhân Võ Văn Bá cho biết, gắn liền với đời sống của người dân Bến Tre, cây dừa được ví như “hồn cốt” của người dân nơi đây. Trong chiến tranh, cây dừa che chở chiến sỹ cách mạng, trong thời bình, trở thành trụ cột kinh tế của nhiều hộ gia đình. Do đó, từ cây dừa làm ra nhiều loại nhạc cụ dân tộc sẽ góp phần lưu giữ bản sắc dân tộc, vừa phát huy thêm giá trị cây dừa đối với đời sống tinh thần của người dân.
Từ 12 tuổi, cậu bé Ba đã theo cha, chú học Đờn ca tài tử, tiếp xúc với nhiều nhạc cụ. Ở gần nhà có nghệ nhân đóng đàn, cậu theo học, đến 15 tuổi bắt đầu tự làm các loại đàn đơn giản bằng gỗ cây mít, cây quao. Lớn lên theo học nghề điện tử và tham gia kháng chiến 20 năm, sau ngày giải phóng, ông Ba Bá tiếp tục theo nghề Đờn ca tài tử và làm các nhạc cụ.
Nghệ nhân Võ Văn Bá sử dụng cây đàn tổng hợp 5 loại nhạc cụ.
Năm 2011, nhận thấy nguồn nguyên liệu dừa ở địa phương phong phú, đã có nhiều loại đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, nhưng chưa có ai làm đàn dừa, nên ông Ba nghiên cứu chế tạo thử. Ông chọn các thân dừa khoảng 60 – 70 năm tuổi, vừa có độ cứng không bị mối mọt, màu đỏ mật ong bắt mắt thay vì màu trắng do còn non hoặc màu đen do quá già. Ngoài ra, vỏ, gáo, mo nang dừa đều được ông tận dụng làm đàn. Gỗ dừa có thể làm được hầu như tất cả các loại đàn, như: đàn tranh, đàn kìm, cò, gáo, bầu, guitar, mandolin, violin…
Cây đàn dừa đầu tiên ông Ba Bá làm làm cây đàn kìm, tuy nhiên âm thanh không đạt như các loại gỗ khác, sau đó ông phải nghiên cứu phối hợp gỗ dừa làm khung, gỗ quao làm mặt đàn để cho âm thanh tốt. Mặt khác, ứng dụng từ nghề điện tử đã học, ông tích hợp các thiết bị để cây đàn có âm thanh tốt hơn theo ý muốn. Riêng các loại đàn làm từ vỏ dừa, gáo dừa, mo nang, công tác chuẩn bị nguyên vật liệu khó khăn hơn loại đàn làm bằng gỗ dừa. Để sử dụng vỏ dừa làm thùng đàn, phải chọn những trái dừa thật khô, cưa bỏ phần đầu, sau đó đục bỏ phần gáo, tiếp nữa là khoét hết phần xơ trong ruột, chỉ để lại một lớp mỏng khoảng 0,5 – 1 cm sát vỏ của trái dừa. Phần vỏ này sau đó được xử lý, sơn phết bằng các loại sơn, keo chống mốc trước khi được ráp vào các bộ phận khác để làm nên một cây đờn hoàn chỉnh.
Theo ông Ba Bá, thời gian làm đàn tùy theo loại như gáo, cò mất khoảng 3 – 4 ngày, còn loại khó như: đàn tranh hoặc guitar phím lõm mất hơn một tuần đến hàng tháng. Vừa nói, ông vừa đem ra chiếc đàn 5 trong 1, gồm sến, guitar, bầu, cò và một micro để hát. Đây là cây đàn ông mất hơn một tháng để hoàn thành với chất liệu gỗ dừa, quao, sừng trâu, da trăn.
Nghệ nhân Võ Văn Bá sử dụng nhạc cụ đờn cò làm từ gốc dừa lớn nhất Việt Nam.
Ngoài các loại đàn làm kích thước nhỏ dễ sử dụng, ông Ba Bá làm ra 2 cây đàn có kích thước lớn, đây là nhạc cụ ông tâm đắc nhất trong quá trình chế tạo. Ông Ba Bá cho hay, trong một cơ duyên tình cờ, ông sang nhà người trong xóm gặp gốc dừa lớn đã bị cưa đi phần thân nên đã hỏi mua lại. Do gốc quá lớn và nặng nên ông phải thuê người đến đục rỗng phần lõi mất mấy ngày mới đem về được. Phần đục, bào phải làm trong thời gian hai tháng mới xong, đàn cao 2,5 m, phần bầu dài 1,1m, đường kính 60 cm. Cây đàn này được một người ở Bình Dương trả giá 150 triệu đồng nhưng ông Ba từ chối bán. Ông Ba còn làm cây đàn bầu với mặt đàn hình bản đồ Việt Nam chiều dài hơn 2 mét để khẳng định với thế giới: Đàn bầu là nhạc cụ có nguồn gốc từ Việt Nam.
Góp phần làm tinh tế hơn các sản phẩm du lịch Bến Tre
Trong Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012, bộ nhạc cụ dân tộc của nghệ nhân Võ Văn Bá, gồm 10 chủng loại, có 27 nhạc cụ đạt tiêu chuẩn về hình thức thẩm mỹ và âm thanh để nhận kỷ lục Việt Nam. Trong đó, có bộ nhạc khí kéo cung vĩ gồm đàn cò (cò líu, cò trung, cò trung trầm, cò trầm), đàn gáo (gáo nhỏ, gáo trung, gáo trung trầm, gáo lớn). Ngoài ra còn có bộ nhạc khí gảy dây gồm đàn kìm (nguyệt), đàn sến, đàn tranh, đàn bầu, đàn guitar điện (guitar phím lõm, guitar bass); bộ nhạc khí gõ gồm bộ trống (trống tiểu lớn, trống chiến nhỏ), mõ; bộ nhạc khí thổi hơi gồm hai cây kèn… Bộ nhạc cụ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam”. Bộ nhạc cụ làm từ dừa của nghệ nhân Võ Văn Bá được giới thiệu tại nhiều cuộc triễn lãm trên khắp cả nước.
Nghệ nhân Võ Văn Bá bên bộ sưu tập nhạc cụ do mình chế tạo.
Nghệ nhân Võ Văn Bá chia sẻ, đã có khách du lịch ở 11 nước: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Australia, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào… đến tìm hiểu và có nhu cầu giao lưu về bộ nhạc cụ dừa và đặc biệt có 2 ca sĩ Thụy Sĩ đến xin ông đệm đàn bằng bộ nhạc cụ dừa để họ hát… Nhạc cụ của ông Ba được nhiều người trên thế giới tìm đến mua, sưu tầm. Dù tuổi cao nhưng ông Ba luôn mong muốn truyền nghề lại cho thế hệ mai sau, sẵn sàng hướng dẫn miễn phí cho những ai muốn theo học đàn, chế tác các loại nhạc cụ để tiếp tục giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo ông Nguyễn Văn Bàn, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, bộ sưu tập đàn dừa của nghệ nhân Ba Bá là “Độc nhất vô nhị” của Việt Nam. Điều đáng quý nhất của bộ đàn là nó được làm bằng chất liệu gỗ dừa, loại cây đặc trưng của Bến Tre. Bên cạnh đó, sản phẩm được nhiều nhà nghiên cứu chuyên môn đánh giá cao về nghệ thuật, thẩm mỹ. Bộ nhạc cụ góp phần tôn vinh giá trị to lớn của cây dừa, phần nào nói lên sự sáng tạo vô cùng độc đáo. Đây là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù về văn hóa vùng miền khác biệt của địa phương Bến Tre, không địa phương nào có được.
Du khách tham quan bộ nhạc cụ làm từ dừa.
Bên cạnh đó, bộ nhạc cụ dừa góp phần làm tinh tế hơn các sản phẩm du lịch Bến Tre đang có. Bộ nhạc cụ dừa hoàn toàn đáp ứng đủ yêu cầu để cho du khách khám phá cái mới, được trải nghiệm hoạt động thực tế, làm giàu tri thức, kết nối được cảm xúc; từ đó góp phần định vị, nâng tầm hơn thương hiệu sản phẩm du lịch “Dừa” của tỉnh Bến Tre.
Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục xúc tiến, quảng bá, giới thiệu bộ nhạc cụ này để công chúng gần xa hiểu thêm về những giá trị, ý nghĩa vô cùng độc đáo của nó; tổ chức trình diễn, thực hành, truyền dạy phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan, tìm hiểu Bến Tre. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc sáng tạo nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm nhạc cụ từ dừa phong phú; xây dựng kế hoạch bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị của bộ nhạc cụ này hiện tại và tương lai.