Bác sĩ Phạm Văn Long, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS lắng nghe chia sẻ của bệnh nhân
Tiếp đón và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là công việc thường nhật của bác sĩ Phạm Văn Long, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Bệnh nhân nhiễm HIV rất ngại sự công khai, không tự tin tìm đến bác sĩ để điều trị. Hiểu được điều này, bác sĩ Long vẫn miệt mài “đi tìm bệnh nhân” để điều trị. Chính sự thấu hiểu, sẻ chia chân thành của người thầy thuốc đã giúp người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm, thử phác đồ điều trị. Đã trải qua 37 năm nỗ lực tiếp cận, hỗ trợ người nhiễm HIV, bác sĩ Long và đồng nghiệp cùng lắng nghe, đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ những bệnh nhân HIV. Tất cả đều vì mục đích là giúp cho bệnh nhân ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống để bảo đảm điều trị bền vững.
Sự thấu hiểu, sẻ chia chân thành của người thầy thuốc sẽ giúp người nhiễm HIV vượt qua mặt cảm
“Mình phải hiểu chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và tâm huyết với nghề để họ vượt qua. Chia sẻ tình cảm, thấu hiểu lẫn nhau, tin tưởng bác sỹ để tuân thủ điều trị tốt, trở lại cuộc sống bình thường, sống hạnh phúc và làm ăn phát triển”, bác sĩ Long bày tỏ.
Bác sĩ Nguyễn Phương ở Khoa Lao ngoài phổi và bệnh phổi nhiễm trùng (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh) bắt đầu ngày mới bằng việc đến từng giường bệnh để khám và hỏi thăm sức khỏe các bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú. Công việc ở đây không nhiều bằng các bệnh viện đa khoa, nhưng do môi trường tiếp xúc với bệnh nhân lao nên nguy hiểm gấp nhiều lần. Môi trường dễ lây nhiễm là vậy, nhưng không vì thế mà các y, bác sĩ chùn bước. Công tác tại bệnh viện gần 10 năm, bác sĩ đủ thấu hiểu nỗi đau của những người bệnh ở đây và luôn tự nhủ lòng phải dồn tâm sức để giúp họ nhanh chóng khỏi bệnh. Mỗi ngày qua đi, anh cùng đồng nghiệp vẫn lặng lẽ, tận tâm, hết lòng với nghề.
Bác sĩ Nguyễn Phương đến từng giường bệnh để khám và thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân
Bác sĩ Phương chia sẻ: “Mình phải rất tâm huyết với bệnh nhân vì đây là bệnh lây nhiễm. Riêng mình cũng phải vào, khi bước chân vào nghề rồi, mình yêu bệnh nhân, yêu nghề thì phát triển như thế nào để điều trị tốt cho bệnh nhân để giảm lây nhiễm cho cộng đồng và cho bản thân mình”.
Các y, bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi không chỉ điều trị bằng thuốc mà còn xoa dịu nỗi đau tinh thần của bệnh nhân
Đặc thù của bệnh nhân tâm thần là họ không bao giờ nhận mình bị bệnh nên phản ứng quyết liệt với việc thăm khám, điều trị của thầy thuốc. Vậy là phải tỉ tê trò chuyện, nắm bắt tâm lý, tình cảm của người bệnh để có những chuẩn đoán chính xác. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh như người “phục vụ” cần mẫn và kiên trì. Luôn tự động viên nhau, làm ở đâu cũng là chữa bệnh cứu người. Với ý thức nghề nghiệp đó, họ đã bền bỉ trải qua nhiều áp lực công việc và nguy hiểm từng ngày, từng giờ. 23 năm gắn bó với nghề, Bác sĩ Võ Đình Kỳ, Trưởng Khoa Tâm thần Nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn kiên nhẫn lắng nghe để thấu hiểu thế giới của những người bệnh và tìm cách giúp bệnh nhân an tâm điều trị. “Các bệnh lý tâm thần rất phức tạp, thường rất khó điều trị. Trong quá trình điều trị chăm sóc đòi hỏi một số vấn đề nó khó khăn hơn. Quá trình khám bệnh nhân cũng khó khăn, bệnh nhân không hợp tác. Quá trình điều trị bệnh nhân không chịu dùng thuốc thì mình phải kết hợp động viên, tư tưởng an ủi”, bác sĩ Kỳ cho biết.
Người thầy thuốc của những bệnh nhân “đặc biệt” vẫn ngày, đêm chăm sóc, điều trị bằng trách nhiệm, tình thương
Vẫn còn đó sự khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm; song vượt lên tất cả, đội ngũ y, bác sĩ làm việc ở đây vẫn đang ngày, đêm chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân “đặc biệt” này. Sự tiến bộ dù là rất nhỏ của bệnh nhân cũng trở thành niềm vui đối với người thầy thuốc, để rồi họ tiếp tục gắn bó và cống hiến, tận tâm với nghề “Lương y như từ mẫu”.
Bác sĩ Phạm Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: “Sự đóng góp của các thầy thuốc rất đáng quý, ngành sẽ tiếp tục động viên, tôn vinh và có chương trình kế hoạch đào tạo cán bộ y tế ngành về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn”.
NHƯ ĐỒNG