Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hết năm học 2022-2023, cả nước ghi nhận thiếu tới 118.253 giáo viên, nhưng vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương chưa tuyển dụng được.
Thực trạng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc diễn ra âm ỉ lâu nay vẫn chưa được khắc phục. Giáo viên dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý vẫn quẩn quanh nỗi lo chất lượng, hiệu quả giờ dạy khi không thể đảm đương trọn vẹn trọng trách môn kiêm nhiệm chỉ qua vài lớp tập huấn.
Bên cạnh đó, giáo viên dạy các môn học mới khan hiếm, nhất là thầy cô dạy ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật. Điều này khiến nhiều địa phương không thể triển khai môn học theo chương trình mới.
Như vậy, đến nay, chương trình GDPT 2018 – một nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục – có thực sự hiệu quả và chất lượng không?
“3 thầy 1 sách”
Bên cạnh gánh nặng thiếu trầm trọng giáo viên, việc thực hiện dạy các môn tích hợp ở cấp THCS cũng đang tạo ra hàng loạt thách thức và khó khăn cho nhà trường lẫn thầy cô.
Cụ thể, môn khoa học tự nhiên (gồm lý, hóa, sinh), lịch sử và địa lý tích hợp nhưng tách bạch kiến thức từng môn dẫn đến thực trạng “3 thầy 1 sách”, “2 thầy 1 sách”. Tình trạng này tạo ra sự rối rắm khi xây dựng đề kiểm tra, chấm bài, vào điểm và nhận xét học sinh.
Theo quy định, chỉ có một giáo viên đứng lớp phụ trách tất cả các mảng kiến thức trong môn học tích hợp.
Thực tế cho thấy, đa số “người thầy tích hợp” là giáo viên đơn môn chỉ trải qua vài đợt tập huấn. Vì thế, họ vừa lên lớp vừa nơm nớp lo âu bởi chưa thể tự tin đảm đương trọng trách chuyển tải tinh thần đổi mới giáo dục.
Những lời bộc bạch, chia sẻ gần đây của giáo viên tích hợp về ước mong “học sinh đừng hỏi câu hỏi nào quá hóc búa” quả thật gieo vào lòng người muôn nỗi chua chát…
Đây là năm thứ 4 chương trình GDPT 2018 được thực hiện cả 3 cấp học: lớp 4, 8 và 11. Chiến lược “thay sách” được phê duyệt và thực hiện nhưng vẫn lại thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Người thầy đang ở đâu trong chương trình GDPT 2018? Ngành giáo dục phác thảo một chương trình giáo dục mới, xây dựng được nhiều bộ sách thú vị nhưng lại không tuyển dụng đủ giáo viên, không có thầy cô đứng lớp môn học mới. Từ đó, giáo viên bị ép phải tăng tiết hoặc được điều động từ cấp học này sang cấp học khác để tạm thời lấp chỗ trống.
Những đợt tập huấn cũng diễn ra chóng vánh nên ngành giáo dục khó có thể đảm bảo chất lượng, hiệu quả của cuộc “thay sách” này. Do đó, sự hoài nghi và chất vấn của dư luận về chương trình GDPT 2018 hoàn toàn có cơ sở.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu và người thầy quyết định sự thành bại của chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, ngay từ ngày bắt tay xây dựng chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT dường như không lên kế hoạch cụ thể về đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.