Phải “thuận cả 2 tay” để dạy học trò
Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, là một trong 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc trên cả nước được tuyên dương trong cuộc gặp gỡ do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức nhân Ngày nhà giáo Việt Nam vào sáng 17.11. Buổi chiều cùng ngày, tiến sĩ Kha cùng các nhà giáo tiêu biểu cũng được gặp gỡ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và được là người đại diện báo cáo với Thủ tướng về hoạt động của trường nói riêng, của hệ thống nói chung.
Có 25 năm công tác tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng và 6 năm gần đây đảm nhận vai trò quản lý, tiến sĩ Kha nhìn nhận mối quan hệ thầy trò trong trong giáo dục nghề nghiệp có sự khác biệt rất nhiều. Điều này phản ánh đặc thù của đào tạo nghề là “cầm tay chỉ việc”, khi mà người thầy không chỉ giỏi kiến thức lý thuyết chuyên môn, mà còn phải giỏi tay nghề.
“Dạy các em mà luôn xem mình giỏi hơn, đứng ở vị trí cao hơn, thì không thể thấu hiểu để có thể truyền đạt được kiến thức và kỹ năng cho học trò. Người thầy phải luôn đứng bên cạnh, ngang bằng với trò thậm chí thấp hơn mới có thể thị phạm, hướng dẫn được cho trò. Và chỉ ‘đứng’ ngang hay thấp hơn trò mới có thể làm điểm tựa và bệ phóng cho học trò”, tiến sĩ Kha chia sẻ.
Theo tiến sĩ Kha, khi dạy thực hành cho sinh viên, có những lúc giảng viên trường nghề phải đứng đối diện để thị phạm nên lúc đó phải thao tác bằng cả tay trái. “Chúng tôi đa số thuận tay phải, nhưng phải học cách thao tác thuần thục bằng cả tay trái để có thể hướng dẫn học trò sử dụng máy móc khi đứng hay ngồi đối diện với các em”, tiến sĩ Kha bày tỏ.
Sức nặng của 2 chữ “tấm lòng”
Luôn tâm niệm người thầy trong giáo dục nghề nghiệp chính là những người đào tạo một đội ngũ “bác sĩ của máy móc”, vì thế, tiến sĩ Kha cho rằng bên cạnh việc giỏi nghề, người thầy phải đề cao sự tận tâm, tận tuỵ, nếu không sẽ cho ra đời những “bác sĩ yếu kém”, kìm hãm sản xuất và thậm chí gây mất an toàn cho cộng đồng.
Tiến sĩ Lê Đình Kha cho hay: “Slogan của tôi và cũng là tinh thần chung của giảng viên trong trường rất ngắn gọn, chỉ với 2 chữ “tấm lòng”. Có tấm lòng, người thầy mới có thể hết mình với sinh viên”.
Do công việc chính của những kỹ sư, người thợ tương lai là sử dụng, vận hành máy móc, thiết bị nên theo tiến sĩ Kha, kỹ năng làm việc an toàn và đạo đức nghề nghiệp là cực kỳ quan trọng đối với sinh viên trường nghề.
Để giúp sinh viên thấu hiểu được đạo đức nghề nghiệp, đề cao sự an toàn cho chính mình, cho người khác trong thao tác vận hành máy móc, tiến sĩ Kha đã quyết định đưa vào chương trình môn an toàn và đạo đức nghề nghiệp.
Trong quá trình học hoặc thi, sinh viên nào chỉ cần không chú tâm khiến thao tác thực hành sai gây nguy hiểm, có thể sẽ bị ngay 0 điểm hoặc bị rớt. “Đạo đức nghề nghiệp và an toàn khi làm việc là 2 thứ gắn liền với mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời hành nghề của mình. Vì thế tôi mong học trò luôn lưu tâm tới điều đó”, tiến sĩ Kha bày tỏ.
Khi ở vai trò quản lý, tiến sĩ Kha đã thực hiện cải tiến chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, tăng cường cơ sở vật chất và đẩy mạnh hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế.
Ông từng bước thực hiện công tác chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động quản lý và đào tạo của trường. Đặc biệt là 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay, được doanh nghiệp đánh giá cao vì có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết vấn đề, “nói được và làm được”.
Tiến sĩ Kha cũng đã đưa Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thành trường CĐ đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam đạt kiểm định chất lượng ABET của Mỹ và là trường thứ 2 (sau Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) được tổ chức này công nhận.
Học trò của tiến sĩ Kha hiện đang có mặt khắp các doanh nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất, trường học… Có người làm hiệu trưởng hay giáo viên trường nghề, có người làm giám đốc hay trưởng phòng kỹ thuật…
“Không có giải thưởng nào quý bằng bằng niềm hạnh phúc khi nhìn thấy gương mặt sinh viên rạng rỡ khi làm được bài, đặc biệt các bài thực hành cần khả năng tư duy, và nhìn thấy sự thành đạt của các em sau khi tốt nghiệp”, tiến sĩ Kha chia sẻ.
Thầy quan tâm tới chúng tôi cả trên lớp lẫn ngoài đời
Những kỷ niệm về Thầy Lê Đình Kha tôi có rất nhiều. Trên lớp, thầy là người dìu dắt chúng tôi về kiến thức. Ngoài đời, thầy gần gũi với chúng tôi như một người anh, luôn quan tâm, thân thiện. Hơn 20 năm trôi qua, tôi còn nhớ những buổi học trên lớp với thầy luôn sôi động.
Bao giờ cũng vậy, cuối buổi học thầy luôn dành thời gian để trao đổi về học tập, về cuộc sống xa nhà của tất cả chúng tôi. Thầy còn định hướng công việc cho chúng tôi sao cho phù hợp với từng người.
Đối với tôi, thầy là người rất gần gũi, ấm áp và tận tâm với học sinh. Tôi còn nhớ lớp tôi có bạn nghỉ học liên tục trong mấy ngày, tìm hiểu ra mới biết bạn ấy gặp khó khăn về học phí vì gia đình khó khăn ở quê. Biết chuyện, thầy gặp bạn và động viên bạn ấy rất nhiều cũng như hỗ trợ bạn ấy đóng học phí để bạn được tiếp tục đi học.
Nguyễn Trọng Diên, giảng viên Trường Trung cấp Củ Chi
Học không phải chỉ cho bản thân mình
Ngày đó, thầy Lê Đình Kha chủ nhiệm lớp tôi và dạy môn vi xử lý. Thầy rất giỏi về kiến thức, kỹ năng nghề và kinh nghiệm sư phạm. Tiết học của thầy luôn sử dụng trực quan sinh động, cách truyền đạt lại gần gũi, dễ hiểu khiến học trò rất thích.
Không chỉ vậy, thầy còn sống rất tình cảm, luôn gần gũi, động viên và lắng nghe tâm sự của chúng tôi. Tôi nhớ mãi lúc sắp ra trường tôi đến nhà thăm thầy, thầy có dặn dò tôi: “Học không phải chỉ cho bản thân mình, mà còn học để làm gương cho con cháu. Học nghề không phải chỉ để ra làm nghề, mà phải luôn có tinh thần học tập suốt đời để phát triển nghề nghiệp lên tầm cao hơn”.
Tiếp thu tinh thần này, sau khi tốt nghiệp tôi vừa đi làm, vừa học liên thông lên ĐH. Khi đi dạy tôi lại học tiếp lên cao học. Ra trường nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn luôn nhớ về thầy.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Việt Nam-Hàn Quốc Bình Dương