Thảo luận về luật Đấu thầu sửa đổi sáng 24.5, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng không phải lĩnh vực nào cũng cần đấu thầu và không phải lần đấu thầu nào cũng mang lại hiệu quả thiết thực cho Nhà nước.
Theo ông Hòa, thực tế trong thời gian qua có những trường hợp có những gói thầu giá trị rất cao, nhưng khi bỏ thầu thì giá trị rất thấp.
“Chiêu trò của một số chủ đầu tư trong thời gian qua, khi muốn nhà thầu quen thân trúng thầu thì có những phương pháp rất cụ thể. Theo tôi biết, một số đơn vị, địa phương, mỗi lần nhà thầu này tham gia đều trúng mà giá trị gói thầu rất thấp”, đại biểu nói và đề nghị phải xem lại quy trình, thủ tục, việc đăng ký, tổ chức đấu thầu như thế nào cho hiệu quả.
Về chỉ định thầu, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng chỉ ra thực tế những quy định ràng buộc về chỉ định thầu hiện nay khiến một số chủ đầu tư không dám chỉ định thầu, “thà là tổ chức đấu thầu mà thuận lợi, dễ dàng hơn”.
Lý do, theo ông, lúc chỉ định thầu “hồ sơ rất tốt nhưng giữa chừng nhà thầu bị “suy dinh dưỡng”, công trình không đạt hiệu quả. Chủ đầu tư lại bị quy trách nhiệm thân với doanh nghiệp abc nên mới chỉ định”. Ông cũng đề xuất với những gói thầu dưới 5 tỉ đồng hoặc vài trăm triệu đồng, nên tổ chức chào giá cạnh tranh để đỡ mất thời gian, tốn kém mà không mang lại hiệu quả.
Tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo xác định đây là một trong các luật khó, không chỉ trong quan điểm chính sách mà còn kỹ thuật pháp lý.
Theo ông Dũng, vừa phải giải quyết được những vấn đề vướng mắc phát sinh, phải tháo gỡ được trong quá trình thực hiện nhưng lại phải tạo được điều kiện thuận lợi cho hoạt động đấu thầu, nâng cao được hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đâu là điểm cân bằng của hai việc này là vấn đề rất khó.
“Nếu chúng ta quản lý chặt quá thì lại mất quyền tự chủ và lại gây khó khăn, lại ách tắc, lại sửa như nhiều lần chúng ta đã làm. Nhưng nếu làm lỏng quá lại không đảm bảo được quản lý nhà nước, thành vòng luẩn quẩn”, ông Dũng nói.
Chia sẻ quan điểm của đại biểu Hòa, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, đấu thầu là muôn hình muôn vạn, không có cách gì có thể kiểm soát được hết tất cả các loại. “Trong khi đó, người ta dùng đủ mọi mánh khóe, chiêu trò để lạng lách, mình chỉ đi be đắp và bịt lại thôi, chúng ta không thể một lúc mà nghĩ ra được hết tất cả”, ông Dũng nói.
Ông cũng ví dụ rất nhiều các doanh nghiệp hiện nay, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, bỏ giá với giá thấp nhất nhưng lấy lãi bằng cách điều chỉnh tổng mức đầu tư sau này, bằng cách bán các nguyên, nhiên, vật liệu đi kèm… “Vậy bây giờ mình lấy giá thấp hay là lấy được toàn thể các vấn đề chung, đây là một vấn đề rất khó”, ông Dũng nêu.
Về tháo gỡ những vướng mắc trong đấu thầu ở lĩnh vực y tế, thực tiễn thời gian qua đòi hỏi một giải pháp căn cơ, triệt để nhằm tháo gỡ dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu rất cụ thể những nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện.
Theo ông Dũng, ngoài vướng mắc trong luật còn do bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định của nghị định và thông tư chưa chặt chẽ, đồng bộ, gây khó khăn.
Vì thế, dự thảo luật đã dành một chương riêng với nhiều điều khoản theo hướng tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện, tạo thuận lợi cho hoạt động mua thuốc, thiết bị y tế đặc thù.