Vài ngày trước Giao thừa, nhiều gia đình quây quần gói bánh chưng, tét, thức trắng đêm trông nồi bánh đỏ lửa khắp các hẻm.
Trưa 26 Tết (5/2 ), trong căn nhà ở hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ, quận 3, gia đình bà Nguyễn Thị Uyên Chi (thứ 3 từ phải sang) lại quây quần gói bánh chưng và tét.
Năm nay nhà bà gói khoảng 300 cái, trong đó có 100 bánh tét, một phần để ăn và biếu họ hàng. “Phần lớn bánh nhà làm bán nên phải huy động họ hàng khắp nơi về phụ, để kịp xong trong ngày”, người phụ nữ 53 tuổi nói.
Ở ngoài cửa, anh Trần Văn Phong phụ sơ chế gạo nếp, đậu xanh, rửa lá dong… Để gói 300 bánh, nhà bà Chi sử dụng khoảng 150 kg gạo, 70 cân đậu xanh và 35 kg thịt heo.
“Gói bánh chưng nhiều công đoạn lắm, trước đó vài ngày phải dậy sớm chọn lá dong, thịt ba chỉ loại ngon rồi ngâm gạo nếp, đậu xanh cả một đêm mới xong”, anh Phong cho biết.
Chị Trần Thị Phương Nhi, 30 tuổi, phụ bà Chi đặt nhân vào bánh tét để gói. Nhà ở Tiền Giang, mỗi dịp Tết Nguyên đán, chị lại nghỉ làm vài ngày để lên phụ gói bánh. “Làm cực nhưng vui vì họ hàng có dịp quây quần bên nhau”, chị nói.
Cùng ngày, tại con hẻm trên đường Trần Thị Điệu, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, nhà anh Minh Tùng, 38 tuổi (góc trái), gói khoảng 30 cái bánh chưng. Mỗi người một việc như chia thịt, xếp lá, gói bánh, làm nhân.
Bánh chưng được anh Tùng làm theo kiểu miền Trung. Đậu xanh nấu nhuyễn rồi lèn chặt với thịt heo cũng đã được luộc chín. “Nhờ vậy mà khi cắt bánh, phần nhân bên trong không bị rời rạc, dính lẫn với gạo”, anh Tùng chia sẻ.
Cách đó 7 km, bà Nguyễn Thị Cúc (đường 182, phường Tăng Nhơn Phú A) cùng con cháu gói bánh tét bên hiên nhà, chiều 27 Tết (6/2). “Năm nào nhà tôi cũng gói 40 bánh tét kiểu miền Nam. Con cháu dù đi đâu xa thì ngày này tề tựu về gói bánh”, bà nói.
Gạo nếp sau khi ngâm được trộn với nước cốt rau ngót và lá dứa để ra màu xanh tự nhiên. Công đoạn khó nhất khi gói là gấp lá chuối để phần đầu bánh ra được hình vuông.
Hà Mai Quỳnh, 12 tuổi, cháu ngoại bà Cúc, cầm trên tay những đòn bánh tét vừa gói xong. Bánh tét được cột bằng dây chuối thay vì lạt tre như bánh chưng.
Tại nhà bà Uyên Chi, 300 chiếc bánh được xếp vào hai nồi lớn, luộc ngay cạnh hẻm trước cửa nhà. Những miếng tôn được che trước nồi để tránh ám khói xung quanh.
Những chiếc bánh chưng được xếp khít vào nhau. Vì gói số lượng lớn để bán nên thường dùng dây nylon buộc cho tiện và chặt hơn.
Tối cùng ngày, bà Cúc bắt đầu nhóm lửa luộc hai nồi bánh tét trước sân nhà. “Cách tầm một tiếng lại châm thêm nước, luộc nguyên một đêm đến sáng vớt bánh ra”, bà nói, trong lúc thêm nước vào nồi.
Gần đó, lúc 23h, bà Bùi Thị Tám cũng thức xuyên đêm để trông nồi bánh chưng. Không có sân rộng nên bà phải luộc bánh bên vệ đường. “Ngồi gần lửa khiến người lúc nào cũng toát mồ hôi, cay xè mắt nhưng vui vì cả năm chỉ có một lần”, người phụ nữ 50 tuổi chia sẻ.
Quỳnh Trần – Vnexpress.net