Ở Vinh, người dân không chỉ ăn xôi sáng mà còn ăn xôi đêm, thậm chí đêm khuya. Người nơi khác khó hiểu, nói dân Vinh kỳ ghê, đêm hôm còn ăn xôi cho nặng bụng.
Xôi là một trong những món ăn quen thuộc của đất Vinh nói riêng và xứ Nghệ nói chung bên cạnh các món cháo/súp lươn, xáo gà/vịt, bánh mướt, cháo canh, ốc xào…
Trong đó xôi Vinh nổi tiếng hơn cả vì ở đây tập trung nhiều quán xôi ngon có tiếng, có tuổi đời hàng chục năm.
Có thể kể đến một số “tụ điểm” xôi như xôi bưu điện, xôi ga Vinh, xôi Yến Thịnh, xôi bà Thành, xôi bà Hồng, xôi bà Phương…
Xôi Vinh: hợp lý bất ngờ
Đến Vinh chơi, muốn ăn xôi cũng phải nắm được lịch mở hàng của các quán xôi, kẻo không đúng giờ thì tiếc hùi hụi. Các quán chỉ bán sáng, đầu buổi tối cho tới khuya.
Cũng là các loại xôi đỗ xanh, xôi lạc như các nơi nhưng không giống phần còn lại của thế giới xôi, xôi Vinh một mình một “phách”.
Ở nhiều nơi của Hà Nội hoặc TP.HCM, người ta thường ăn xôi cùng với các loại thịt/ trứng/ chả (giò) lụa/ ốp la/ cá kho hoặc ruốc (chà) bông. Còn ở Vinh, xôi thường ăn kèm với trứng cuộn, giò hoặc chả cuốn.
Những năm gần đây, du nhập thêm những cách ăn xôi khác theo kiểu Hà Nội nhưng ai muốn ăn xôi đúng chất xứ Nghệ thì nhớ kêu xôi cùng trứng cuộn, giò hoặc chả cuốn. Thêm một bát nhỏ dưa chuột cà rốt bóp chua ngọt, ăn cho đỡ ngán.
Nếu xôi Hà Nội chủ yếu được làm từ nếp cái hoa vàng thì ở đây, xôi được thổi từ nếp Lào là chính. Mềm, dẻo, để cả ngày vẫn không bị cứng.
Một số người vẫn giữ nếp cũ, hông xôi trong những chiếc bổng Đô Lương (một dạng nồi đất đặc trưng của xứ Nghệ) và lót lá chuối.
Khi ăn, xôi vừa thơm mùi lá chuối mà không bị bí, nhão nhoẹt bên dưới, hạt xôi vẫn tơi và nguyên.
Những dì, những o bán xôi cuộn trứng (đúc thịt hành lá hoặc pa tê) thành từng cây to uỵch và dài từ 25 – 30cm, rim rim nhỏ lửa trên chảo mỡ/dầu liên tục.
Chừng nào khách ăn thì mới lấy dao xoẹt ngang một khúc nhỏ. Trứng có vỏ bên ngoài vàng giòn mà bên trong mềm.
Nhìn chả cuốn ở Vinh, có lẽ không ít người nhầm với chả giò ở miền Nam, ram ở miền Trung hay nem rán ngoài Bắc nhưng chả cuốn ở đây cũng khác hẳn. Nhân chả chỉ thuần thịt lợn băm nhỏ, miến, mộc nhĩ kết hợp với tiêu bắc, trứng gà và gia vị cơ bản trộn đều rồi cuộn lại.
Có một điểm khác nữa, người Vinh hay chấm xôi cùng muối vừng lạc rưới kèm dầu/mỡ nóng. Nghe dầu mỡ quá phải không? Có người thấy vậy mà hãi nhưng cứ yên trí ngồi xuống mà ăn sẽ thấy hợp lý đến bất ngờ.
Giấc mơ hồi hương
Xôi Vinh cho thấy nét đặc biệt của doi đất miền Trung này. Muốn ăn đúng vị, đúng chất, chỉ có cách tìm về, tìm đến.
Ở TP.HCM, nếu nhớ, ta vẫn tìm ra các quán xôi Hà Nội hoặc xôi Bắc để ăn cho thỏa nỗi niềm nhưng ở Hà Nội hay TP.HCM, có lục tung khắp chốn cũng không bói ra nổi một quán xôi kiểu xôi Vinh.
Nếu có chăng, có một, hai người con xứ Nghệ bán hàng online, thỉnh thoảng vẫn “xách tay” xôi Vinh ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM bán cho hội người Nghệ An xa nhà.
Có điều, những người này cũng không bán món xôi thường xuyên, ai muốn ăn, phải đặt trước để họ gom đơn. Lắm khi cơn thèm nhớ đến bất thình lình, thì chỉ biết… khóc ròng trong giấc mơ hồi hương.
Xôi là món ăn dân dã của người xứ Nghệ, đặc biệt được lòng những người lao động. Chỉ chừng 15.000 – 20.000 đồng, đã có một suất xôi ngon và ấm bụng. Người Nghệ ăn xôi suốt bốn mùa, ăn sáng đã đành, đêm khuya mà đói bụng vẫn vác bụng ra ăn xôi.
Hồi tháng tám nắng rám quả bưởi năm nào đó, có cô bạn người miền khác ghé Vinh chơi, đêm hôm kêu bụng đói nên cả hội kéo nhau ra xôi bưu điện ăn.
Có dịp chứng kiến cảnh người Vinh già trẻ lớn bé xếp hàng đợi đến lượt mua xôi, tay dì chủ quán thoăn thoắt lúc 11 giờ đêm, thì miệng phải chữ A chữ O.
Người Nghệ kỳ ghê bây! Ăn chi cái thứ gạo nếp đêm hôm nặng bụng, rồi có ngủ nổi không?
Và sẽ có ngay một người dân 37 (biển số xe tỉnh Nghệ An) kề bên thì thầm cho biết, “người quê choa vẫn ngủ ngon lành sau khi chén đĩa xôi kia”.
Nhiều người trong số họ, sau này đi xa, có khi ngồi trong một quán xôi xéo chuẩn vị Phú Thượng ở Hà Nội, xôi vẫn ngon bá cháy nhưng lại thấy thiếu thiếu thứ gì đó. Nôn nao khó gọi tên cho kiệt cùng.
Rồi bất chợt họ nhận ra, cái món xôi quê hương đâu phải là xôi đơn thuần. Đó là món xôi của nỗi niềm cố lý, xa vắng và nhiều quạnh quẽ. Là món ăn gắn bó của một thời buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng nhất mà giờ chỉ có về quê mới ăn được cho thỏa nỗi lòng.