Để có được một bộ sưu tập lớn về văn nghiệp Thâm Tâm như hiện có là cả một quá trình làm việc công phu, kiên nhẫn, bền bỉ của anh Nguyễn Tuấn Khoa – người con duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm (1917 – 1950).
Hữu duyên cho một khởi đầu
Anh Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ trên trang Facebook của mình rằng, cho đến thời điểm này, sau 3 năm ròng tìm kiếm, gia đình đã sưu tầm được tổng cộng 52 bài thơ, 101 truyện ngắn, 33 vở kịch, 29 truyện vừa và tiểu thuyết của cha mình. Trong số này, một phần đã được tái công bố dưới hình thức xuất bản (truyện ngắn, truyện vừa) trong mấy năm vừa qua.
Đó là những sáng tác trải dài từ quãng năm 1936 cho đến năm nhà thơ hy sinh trên mặt trận biên giới Cao Bằng (18/8/1950) và đã đăng rải rác trên các báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền Bá; các sách in từ những năm trước 1945, và trên các báo Vệ Quốc quân, báo Quốc hội, NXB Văn hóa cứu quốc trong thời gian sau năm 1945.
Trong số các tư liệu sưu tầm này, một số tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết đã được các NXB Văn học, Kim Đồng, Quân đội nhân dân gần đây tái bản. Hiện gia đình đang có dự án công bố phần còn lại của di sản Thâm Tâm bao gồm: Thơ (phần đã in và cả phần mới sưu tầm được); Truyện vừa/tiểu thuyết; Kịch…
Câu chuyện sưu tập di sản văn học Thâm Tâm bắt đầu từ một chuyện rất tình cờ. Tôi, người viết bài này, vào năm 1998 – 1999 trong quá trình tìm tư liệu và các tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng tại các thư viện ở TPHCM, đã tìm thấy khá nhiều truyện ngắn Thâm Tâm trên một số báo trước năm 1945, nhất là trên tờ Tiểu thuyết thứ bảy.
Do lòng yêu mến và cảm phục tên tuổi nhà thơ Thâm Tâm qua hai bài thơ “Tống biệt hành” và “Chiều mưa đường số 5”, lại biết đây là một nhà thơ liệt sĩ bỏ mình trên chiến trường Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống Pháp, nên tôi đã tìm cách photo lại các truyện ngắn của ông. Tổng số truyện mà tôi sưu tầm được lúc ấy là 37 truyện.
Việc có trong tay số lượng truyện ngắn như vậy đủ để cho biết văn nghiệp của Thâm Tâm không chỉ có thơ, và số truyện ngắn ấy chưa phải là con số cuối cùng. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để công bố được số truyện ngắn này? Tôi chợt nghĩ phải tìm gặp gia đình nhà thơ Thâm Tâm để kết hợp tiến hành việc này, may ra mới xong.
Qua nhiều thông tin chỉ dẫn, tôi tìm được nhà của gia đình Thâm Tâm, lúc bấy giờ còn cụ bà đang ở cùng với vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Khoa tại một căn gác nhỏ phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Lúc ấy, anh Khoa đang giữ chức Viện trưởng Viện Thông tin Y dược (Bộ Y tế). Sau đó tập “Tuyện ngắn Thâm Tâm” (gồm 36 truyện do tôi sưu tầm cộng với 1 truyện đã công bố khi đó ở một tài liệu khác) đã ra đời.
Đây là bước khởi đầu cho hành trình đi tìm lại di sản Thâm Tâm của gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa.
Cùng nhìn về một hướng
Các thành viên trong gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa rất đồng lòng trong công việc phục dựng di sản Thâm Tâm.
Người vợ của anh – chị Nguyễn Phương Mỹ – nhà giáo về hưu đã cùng anh tiến hành nhiều công việc liên quan đến tư liệu sưu tầm. Chị là người đã công phu đọc đối chiếu khá nhiều tác phẩm của Thâm Tâm từ bản đánh máy vi tính so với bản gốc trên báo để sửa lỗi. Khá nhiều truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết của Thâm Tâm khi sưu tầm chỉ là bản scan.
Anh Nguyễn Tuấn Khoa đã sử dụng công nghệ cho quét lại để hiển thị sang bản mới. Tuy nhiên công nghệ này chỉ khôi phục được khoảng 60 – 70% so với bản gốc. Gần đây, anh có phần mềm khôi phục văn bản từ việc đọc. Tuy có đỡ hơn nhiều so với công nghệ quét như trên, nhưng cũng vẫn còn rất nhiều sai sót. Chị Mỹ đã miệt mài ngồi đọc đối chiếu và sửa ròng rã nhiều ngày mới có thể ra được bản định dạng cuối cùng.
Tất cả các con của vợ chồng anh Khoa, chị Mỹ đều ủng hộ công việc của bố mẹ. Cô con gái Nguyễn Mỹ Trang, ngay từ năm 1995, khi đang học cấp 3 đã có bài bình thơ về thi phẩm “Tống biệt hành” của ông nội và đoạt giải Mực tím của báo Hoa học trò. “Anh xã” của Trang là Trịnh Thanh Tùng, người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhưng lại rất mê sưu tầm sách, chuyên về sách lịch sử quân sự trong nước và trên thế giới.
Đôi vợ chồng này đã trực tiếp giúp đỡ bố mẹ một số việc: tổ chức các chuyến “về nguồn”, tức là trở lại huyện Quảng Uyên – Cao Bằng, nơi nhà thơ Thâm Tâm đã hy sinh và nằm lại. Họ cũng đã cùng với gia đình thành lập Quỹ Thâm Tâm để hằng năm trao một số suất học bổng cho các học sinh các cấp tại Cao Bằng…
Anh Nguyễn Tuấn Khoa kể: Một lần cháu Tùng nhận được thông tin về một nhà sưu tập sách cũ tại TPHCM có bộ “Tiểu thuyết thứ bảy” (không đầy đủ), trong đó in nhiều truyện ngắn và kịch của Thâm Tâm. Tùng đã thương thảo với nhà sưu tập và đã ôm trọn hơn 100 số báo về nhà trong niềm ngạc nhiên của bố mẹ.
Anh hỏi cháu xem giá cả thế nào để còn chia sẻ, nhưng cháu bảo: “Bố mẹ cho chúng con cùng lo việc phục dựng di sản của ông nội với chứ!”… Từ bộ “Tiểu thuyết thứ bảy” này, anh đã sưu tầm được thêm một số truyện ngắn nữa của Thâm Tâm (cùng 5 vở kịch) để bổ sung vào tập “Truyện ngắn Thâm Tâm” (tái bản bổ sung, 2021).
Phía trước vẫy gọi
Cuối năm 2023, UBND TP Hà Nội đã quyết định đặt tên phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm. Một con đường giao cắt phố Trung Kính, cạnh Trường THCS Trung Hòa – thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội; và lễ công bố quyết định đã được tiến hành vào ngày 20/1/2024. Đây là một tin vui không chỉ của gia đình mà còn là của chính quyền và nhân dân Thủ đô, rộng ra là của cả nước.
Tôi hỏi về những dự định sắp tới của gia đình về công việc hoàn tất toàn bộ di sản sự nghiệp Thâm Tâm, anh Nguyễn Tuấn Khoa cho biết có nhiều ý tưởng nhưng sẽ tiến hành dần, không thể ngày một ngày hai thực hiện ngay được.
Trước nhất, tiếp tục sưu tầm và công bố những tác phẩm của Thâm Tâm. Việc trước mắt là hoàn thành bộ “Thơ Thâm Tâm”. Trước đây, năm 1988, nhà nghiên cứu phê bình Mã Giang Lân đã sưu tầm và công bố quyển “Thơ Thâm Tâm” mỏng mảnh, chỉ gồm 18 bài (sau NXB Hội Nhà văn in lại năm 2015 với 23 bài). Nay gia đình đã tìm thêm được 29 bài thơ nữa, đưa tổng số thơ Thâm Tâm lên 52 bài, trong đó có một số bài được sáng tác sau năm 1945, khi nhà thơ đi kháng chiến.
Tiếp nữa, tiếp tục sưu tầm và công bố các vở kịch của Thâm Tâm được sáng tác từ những năm trước 1945. Hiện trong tay anh Nguyễn Tuấn Khoa đã có 32 vở kịch của Thâm Tâm in trên các báo Bắc Hà, Tiểu thuyết thứ bảy trước năm 1945.
Trong số đó, đặc biệt phải kể đến vở kịch “19 tháng 8” của Thâm Tâm đã từng được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào hai ngày 18 – 19/8 năm 1946. Rất tiếc văn bản vở kịch này vẫn chưa được tìm thấy.
Ngoài ra, một số truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, các tranh minh họa, các thiết kế măng-sét một số báo… của Thâm Tâm mà gia đình mới sưu tầm được cũng sẽ nằm trong kế hoạch in lại trong nay mai.
Tôi hỏi anh Nguyễn Tuấn Khoa về việc gia đình có ý tưởng xây dựng một địa chỉ tưởng niệm Thâm Tâm hay không, được anh cho hay: “Gia đình rất muốn làm việc này nhưng lực bất tòng tâm; bây giờ vợ chồng tôi cũng có tuổi rồi. Sau này, nếu các con tôi có lòng, có điều kiện thì tùy ý chúng…”.
Tuy nhiên, anh cũng cho hay vừa rồi gia đình có tặng Bảo tàng Văn học Việt Nam một số ấn phẩm mới tái bản và bản scan một số báo cũ có in tác phẩm của Thâm Tâm, đồng thời đề nghị dành một góc Thâm Tâm trong không gian của bảo tàng để gia đình phối hợp trưng bày. Hy vọng đề xuất này sẽ thành hiện thực trong một tương lai gần.
Mặc dù còn nhiều việc cần phải tiếp tục, nhưng bằng những gì mà gia đình đã có được tính đến thời điểm này, di sản nhà thơ Thâm Tâm đang hiện lên trong dáng vẻ tương đối đầy đặn và sáng giá trong nền văn chương, văn hóa dân tộc.
Nhà thơ Thâm Tâm tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12/5/1917 tại thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương. Ông mất ngày 18/8/1950 trên đường đi công tác ở Chiến khu Việt Bắc khi đang làm Thư ký Tòa soạn cho tờ Vệ Quốc quân, tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật đợt II năm 2007.