Từng mắc nợ tiền tỉ
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu tằm rộng 1 ha, chị Nguyễn Thị Hồng Mơ (37 tuổi, ngụ ấp 3, xã Thạnh Hòa, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) cho biết, nhờ loại cây này mà cuộc đời chị dần tươi sáng hơn. Nhớ lại năm 2020, biến cố ập đến, cả 2 con của chị đều bị ung thư khiến kinh tế gia đình kiệt quệ. Chính quyền xã cấp cho sổ hộ nghèo và vợ chồng chị phải vay nợ hơn 1 tỉ đồng để chữa bệnh cho con.
Tuy nhiên, đến năm 2022, chị Mơ quyết định trả sổ hộ nghèo khi số nợ trả được hơn phân nửa, đặc biệt là có nguồn thu nhập khấm khá từ cây dâu tằm. Chị Mơ phấn khởi nói: “Trước đây, vườn của tôi trồng xoài Đài Loan, vài năm đầu thu nhập khoảng 100 triệu/năm, nhưng sau đó ngày càng rớt giá, thậm chí có lúc chẳng ai mua. Bây giờ trồng dâu tằm, tính ra khỏe hơn nhiều, thu nhập 1 vụ đã hơn 1 năm bán xoài “.
Thời điểm chị Mơ trồng dâu tằm, cả xã Thạnh Hòa chưa ai trồng nên chị cũng dè dặt, chỉ đặt mua 5 cây giống từ Đà Lạt về thử nghiệm. Dự phòng thất bại, chị còn thả 5.000 con cá tai tượng xuống ao để cá ăn lá. Vì vậy, khi lứa dâu tằm đầu tiên say trái, chị và người dân xung quanh đều bất ngờ.
Bà Đoàn Thị Thu Ba (49 tuổi, ngụ cùng địa phương), người hái trái dâu tằm thuê cho chị Mơ, tiếp lời: “Cứ tưởng trái dâu tằm không phát triển nhưng lại hợp thổ nhưỡng vùng này. Thu hoạch thấy ham, cây chi chít trái, trái nào cũng căng bóng, nhìn đã mắt. Nhờ công việc này mà nhiều lao động nông thôn như tôi có thu nhập 200.000 đồng/ngày”.
Thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ dâu tằm
Sau nhiều vụ liên tiếp đạt hiệu quả, chị Mơ mua thêm vài chục cây giống về trồng rồi giâm cành, chiết cành tạo cây con nhân rộng mô hình. Hiện, khu vườn của chị có hơn 700 gốc dâu tằm, sắp tới mở rộng thêm. “Trái dâu tằm mọng nước dễ bị dập, phải bảo quản trong ngày mới ngon. Tôi thấy đó là yêu cầu khó khăn nhưng cũng là cơ hội cho mình. Nếu trồng được ở Hậu Giang, thị trường sẽ rất thuận lợi vì gần Cần Thơ và TP.HCM. Vận chuyển trong ngày, chất lượng trái đảm bảo hơn so với từ Đà Lạt chuyển vào hoặc là từ các tỉnh xa chuyển đến”, chị Mơ chia sẻ.
Cây dâu tằm thuộc loại thân gỗ, 6 tháng đã bắt đầu cho trái, càng lớn càng năng suất cao. Cây có thể cho trái quanh năm, mỗi vụ khoảng 1,5 tháng. Tuy nhiên, miền Tây có khí hậu khô nóng, qua nhiều lần thử, chị Mơ rút kinh nghiệm chỉ để trái 2 mùa có năng suất cao nhất: từ tháng 10 âm lịch đến gần tết và sau tết (nghịch mùa), thời gian còn lại thì dưỡng cây.
“Dâu tằm bán rất đắt, nhiều quán trà sữa đặt mua, chẳng hạn như ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau. Hiện, giá sỉ 50.000 đồng/kg, bán lẻ 70.000 đồng – 80.000 đồng, tùy thời điểm. Trung bình mỗi vụ, tôi thu hoạch hơn 2,5 tấn/ha, trừ hết chi phí, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ, tức hơn 200 triệu đồng/năm. Những trái kích thước nhỏ hơn, tôi làm siro để tăng thêm giá trị và có thêm thu nhập”, chị Mơ chia sẻ.
Theo chị Mơ, trồng dâu tằm ít tốn công chăm sóc. Một mùa vụ bắt đầu từ việc lặt lá, siết nước, bón phân hữu cơ thúc cây phát triển, làm cỏ. Căn bệnh cần quan tâm là trị rệp sáp. Có cách làm phù hợp thì cây sẽ cho trái đều, từ màu đỏ tươi chuyển sang chín đậm là có thể thu hoạch. “Nhờ cây dâu tằm, tôi đã tìm ra cách làm nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả khi kết hợp nuôi chuột hamster và cá tai tượng. Cá ăn thức ăn thừa từ chuột, mùn cưa nuôi chuột thì ủ làm phân hữu cơ bón cây, cây thì cho lá cá ăn. Cứ thế xoay vòng, không bị lãng phí phụ phẩm”, chị Mơ nói.
Ông Ngô Phước Lành, Bí thư Chi bộ ấp 3, nhận xét mô hình trồng dâu tằm của chị Mơ là mô hình rất mới ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều tâm đắc nhất là vào đợt lặt lá hay hái trái, chị tạo việc làm cho 8 – 10 lao động. Chính quyền cũng đang vận động chị nhân giống cây làm vùng nguyên liệu để bà con có nhu cầu cùng chuyển đổi cây trồng. “Lúc 2 con bệnh, có thể nói, chị Mơ là hộ khó khăn nhất ở đây. Nhờ trồng dâu tằm, chị dần sửa sang nhà cửa khang trang và tự nguyện trả lại sổ hộ nghèo. Chính quyền cũng đề xuất UBND H.Phụng Hiệp khen thưởng cho chị Mơ khi chị nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Lành chia sẻ.
Nguồn: https://thanhnien.vn/nguoi-phu-nu-tra-so-ho-ngheo-nho-trong-loai-cay-nay-185240610151446847.htm