Lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc được Bộ Y tế, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức sáng 5.1 tại H.Kim Sơn (Ninh Bình).
Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn đã tham dự cùng các gia đình có người thân hiến giác mạc.
Tại buổi lễ, GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết ghép mô và bộ phận cơ thể người là những thành tựu tuyệt vời của y học. Nhờ đó mà nhiều bệnh nhân được cứu sống, nhiều người đã có cuộc sống ý nghĩa hơn. Hàng nghìn người Việt Nam được ghép thận, hàng trăm người được ghép gan, hàng nghìn người được ghép giác mạc.
Bệnh viện Mắt T.Ư đã đi đầu trong việc xây dựng Ngân hàng Mắt, gây dựng phong trào vận động hiến tặng giác mạc. Nhờ nguồn giác mạc hiến tặng, nhiều người đã được ghép giác mạc, trở lại cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường.
GS Thuấn cảm ơn các gia đình có người hiến giác mạc, cảm ơn những người đã giành lại một phần cơ thể mình để đem lại ánh sáng cho những người đang sống.
Theo PGS – TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), phụ trách điều hành Bệnh viện Mắt T.Ư, ngày 5.4.2007, Ngân hàng Mắt đã thu nhận 2 giác mạc của người Việt Nam đầu tiên hiến giác mạc sau khi qua đời, là cụ bà Nguyễn Thị Hoa, người dân xã Cồn Thoi (H.Kim Sơn, Ninh Bình).
Đến nay, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được giác mạc từ 963 người hiến tặng của 20 tỉnh, thành trong cả nước. Trong số 963 người hiến giác mạc thu nhận được, có đến 437 người hiến giác mạc được thu nhận từ những người hiến tại tỉnh Ninh Bình, đặc biệt có 417 trong số đó được nhận từ H.Kim Sơn.
Mong lan tỏa nghĩa cử nhân văn
Bị bệnh giác mạc khi 12 tuổi, sau đó được ghép 2 giác mạc, chị Tô Thị Thắm bày tỏ: “Được ghép 2 giác mạc vào năm 2019 và 2020, tôi vô cùng cảm ơn các gia đình người hiến, cảm ơn các y bác sĩ ở Bệnh viện Mắt T.Ư đã tận tình giúp đỡ cho tôi ghép giác mạc 2 mắt, giúp tôi được nhìn lại ánh sáng khi tuổi đang còn trẻ.
“Tôi được nhận 2 giác mạc ghép từ người hiến giác mạc ở Ninh Bình. Tôi xin cảm ơn, tri ân các gia đình đã hiến tặng giác mạc cho những người bị bệnh giác mạc như tôi. Tôi mong muốn rằng nghĩa cử cao đẹp từ các gia đình hiến giác mạc sẽ lan tỏa, giúp có thêm nhiều người được thấy lại ánh sáng”, chị Thắm chia sẻ.
Tại lễ tôn vinh, ban tổ chức đã trao bằng khen của Bộ Y tế cho các đơn vị, cá nhân đóng góp cho công tác hiến tặng giác mạc; tặng giấy ghi nhận nghĩa cử cao đẹp cho các tổ chức, gia đình có người thân hiến tặng giác mạc.
Tại lễ tôn vinh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình Vũ Trọng Kỳ trân trọng phát động phong trào hiến tặng giác mạc.
Ngày 5.4.2007, người đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và đầu tiên của cả nước hiến tặng giác mạc. Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 15.000 người đăng ký hiến mô, tạng; riêng sáng 5.1 có 45 người đăng ký hiến mô, tạng.
Đặc biệt, có 437 người hiến giác mạc, 3 người hiến mô tạng, tổng cộng đã có 440 người hiến mô, tạng. Đến nay, thành phố và 100% các huyện của tỉnh Ninh Bình đã có người đăng ký hiến mô, tạng, đứng đầu cả nước.
Tinh thần nhân đạo, nghĩa cử đẹp hiến mô, tạng đã lan tỏa đến mọi người, khi khỏe mạnh cùng chia sẻ yêu thương với người khó khăn; khi không may qua đời hiến tặng giác mạc để đem lại ánh sáng cho người mù. “Cảm ơn cuộc đời, cho đi là còn mãi”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình nói.