Gắn bó với Hà Nội gần 30 năm, trong suốt thời gian đó, bà Suzanne Lecht đã xây dựng mối quan hệ sâu sắc với con người và văn hóa nơi đây, coi Hà Nội như ngôi nhà thứ hai của mình.
“Người Việt Nam rất ấm áp và thân thiện”, bà chia sẻ. “Tôi có một người quản gia tuyệt vời, cô ấy đã gắn bó cùng tôi và căn nhà trong nhiều năm qua. Con gái cô ấy hiện đang học tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chồng cô ấy là một thợ mộc, luôn bảo dưỡng và sửa chữa tận tình các chi tiết gỗ cho ngôi nhà này”.
“Con người Hà Nội là lý do mà tôi muốn sống ở thành phố này. Họ thật tuyệt vời: thông minh, vui tính, yêu thích sự cân bằng giữa làm việc và vui chơi, cứng rắn và cũng có phần bướng bỉnh”, bà cười nói.
Bà cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với sự kiên cường của người Việt Nam. “Tôi rất ngưỡng mộ người Việt khi rất cứng cỏi, đặc biệt khi các bạn đã trải qua chiến tranh và môi trường sống khắc nghiệt. Tôi chưa từng nghe người Việt phàn nàn bao giờ. Như kiểu, ‘được rồi, sự việc đã xảy ra, chúng ta chỉ cần đồng lòng giải quyết và hướng về phía trước’. Đó thực sự là một cách sống đẹp”.
Bà Suzanne Lecht trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhân Dân, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
“Thế nhưng, nghệ thuật là lý do tôi đến đây, đó như ‘mỏ neo’ giữ tôi ở lại Hà Nội”, bà nhấn mạnh. “Tôi cảm thấy rất may mắn và đặc quyền khi được làm việc cùng những nghệ sĩ Hà Nội. Họ đã cho tôi cuộc sống mới, giúp tôi học hỏi nhiều điều về một nền văn hóa khác biệt với những gì tôi từng biết. Quả là một Hà Nội đầy thú vị và giàu giá trị lịch sử!”.
Nhìn lại sự phát triển của Hà Nội, bà Suzanne không khỏi kinh ngạc. “Khi tôi và Phạm Quang Vinh mua căn nhà này, xung quanh chỉ toàn là đường bùn đất, thậm chí còn có trâu bò chạy qua lại. Giờ đây, mọi thứ đã thay đổi với những con đường lát bê-tông, tòa nhà cao tầng, cầu vượt và đường cao tốc. Thật đáng ghi nhận khi Việt Nam đã có những tiến bộ như vậy”.
“Khi tôi đến đây vào năm 1994, khu phố sẽ bị tắt điện vào 9 giờ tối hằng ngày để tiết kiệm năng lượng, không ai có máy tính hay điện thoại, hầu hết mọi người đều đi xe đạp. Tôi phải đến bưu điện để gửi thư tới người thân, đặt lịch gọi điện. Và hãy nhìn bây giờ, sự phát triển trong 30 năm là quá đỗi ấn tượng”.
Bà cũng nhấn mạnh: “Sự phát triển hạ tầng của Hà Nội là rất nhanh. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế mạnh mẽ nhất Đông Nam Á. Vậy nên, các bạn có lý do chính đáng để cảm thấy tự hào khi là người Việt Nam”.
“Tôi yêu thích Hà Nội và dự định sẽ mãi ở đây. Đây đã là nhà của tôi rồi”, bà khẳng định, bản thân sẽ tiếp tục thực hiện các triển lãm nghệ thuật ở Hà Nội, khi nơi đây đã trở thành một phần của con người bà. Mặc dù bà đã 76 tuổi, thế nhưng còn rất nhiều nghệ sĩ trẻ Việt Nam ra nước ngoài rồi trở về đất nước, do đó, bà muốn được làm việc cùng họ với vai trò cố vấn, truyền lại kiến thức sau gần 30 năm làm việc và gắn bó với Hà Nội. Tiếp tục gắn kết nghệ thuật và con người theo cách của riêng mình – Suzanne Lecht.
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/nguoi-phu-nu-my-va-tinh-yeu-bat-tan/index.html