Cô Amanda, 32 tuổi, sẽ bay vào vũ trụ ở đợt phóng sắp tới của Công ty Blue Origin (Mỹ) sử dụng tên lửa New Shepard.
Chuyến bay được hậu thuẫn bởi Space for Humanity (trụ sở Denver – Mỹ), tổ chức phi lợi nhuận chuyên tài trợ các chuyến bay vũ trụ nhằm thúc đẩy những thay đổi liên quan đến nhận thức.
Chương trình Phi hành gia công dân của tổ chức nêu trên được triển khai với mục đích tạo điều kiện cho mỗi phi hành gia công dân góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu.
Ông Antonio Peronace, giám đốc điều hành Space for Humanity, ca ngợi hành trình sắp tới của cô Amanda là biểu tượng của “sức mạnh, niềm đam mê và sự xuất sắc”, phù hợp với sứ mệnh “dân chủ hóa không gian và thúc đẩy kết nối toàn cầu” của tổ chức này.
Amanda nhấn mạnh giá trị và tầm nhìn chung cho tương lai, nói rằng: “Cùng nhau, chúng ta cam kết thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về vũ trụ, về nhau và về tương lai nhân loại. Tôi mong chờ chuyến bay vào vũ trụ của tôi, cũng như hành trình của chúng ta về một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn”.
Hiện chưa có thời gian cụ thể về chuyến bay vào vũ trụ của Amanda.
Cô Amanda tốt nghiệp Trường ĐH Harvard (Mỹ) và thực tập tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vào năm 2013.
Cô làm việc tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian (Mỹ), trước khi giữ chức phó liên lạc viên Nhà Trắng tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Năm 2014, Amanda thành lập Rise – tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ quyền dân sự của những nạn nhân bị tấn công tình dục và cưỡng hiếp.
Amanda, người bị cưỡng hiếp khi đang học đại học ở bang Massachusetts, giúp soạn thảo Dự luật về Quyền của những nạn nhân bị tấn công tình dục. Dự luật này đã được chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama thông qua vào năm 2016.
Cô còn được biết đến với nỗ lực thúc đẩy quyền của người Mỹ gốc Á, được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2019. Cô được Tạp chí Time bình chọn là người phụ nữ của năm vào năm 2022.