Đầu tháng 1, ông Lê Xuân Hoàn - Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh huyện Đăk Hà, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, nộp đơn xin nghỉ hưu trước tuổi, theo vận động để tạo thuận lợi cho việc tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy.
Ông Hoàn năm nay 58 tuổi, còn gần 5 năm công tác nữa mới đến tuổi nghỉ hưu (năm 2029). Trong 40 năm công tác trong khu vực nhà nước, ông đã dành hơn 30 năm gắn bó với ngành Tài nguyên và Môi trường, đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai từ năm 2022.
"Tôi xin nghỉ hưu sớm để hưởng ứng chủ trương tinh giản bộ máy của Đảng và Nhà nước, cũng như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, nhường chỗ cho người trẻ", ông Hoàn cho biết quyết định này là hoàn toàn tự nguyện.
Ông phân tích, nếu không xin nghỉ, bản thân ông vẫn tiếp tục giữ vị trí công tác vì đáp ứng đủ yêu cầu, tiêu chuẩn với công việc, hàng năm đều được đánh giá "hoàn thành tốt công việc", không thuộc diện "công chức cắp ô".
Không "bị ép nghỉ" nhưng ở độ tuổi gần 60, ông tự nhận thấy năng lực, động lực làm việc chỉ còn ở mức cầm chừng, cũng không thể thăng tiến hơn. Dừng lại là tạo cơ hội cho cả người khác và cho chính mình.
Để chuẩn bị cho bước chuyển đổi này, ông Hoàn đã tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sau khi rời nhiệm sở. Ông cũng ấp ủ kế hoạch "Nam tiến", vừa để phát triển công việc vừa có điều kiện gần gũi các con.
Ông cho biết, bản thân sẵn sàng tinh thần và thấy khá hào hứng với kế hoạch công việc tới. Dù không định "nghỉ chơi không" nhưng ông cũng không quá áp lực với việc chuyển đổi công việc, vẫn để ngỏ khả năng sẽ không làm (đầu tư nhà đất) nếu thấy thị trường khó khăn, không tìm được cơ hội phù hợp.
Theo vị cán bộ, từ trường hợp của ông nhìn rộng ra, đợt tinh giản, sắp xếp bộ máy nhà nước lần này sẽ gồm tỷ lệ không nhỏ công chức, viên chức ở diện này.
Ở góc độ khác, là thủ trưởng một đơn vị sự nghiệp ở TPHCM trong diện sắp xếp lại đợt này, bà B. tâm tư: "Ở độ tuổi hơn 40, đã 20 năm có lẻ gắn bó với công tác hành chính, bây giờ nếu ra làm cho doanh nghiệp, tôi khó tìm được công việc vừa đúng chuyên môn, cấp bậc và có mức thu nhập tương tự. Đó là chưa kể có thể còn phải thay đổi nhà cửa, nơi con cái học hành...".
Chủ tịch công ty công nghệ tốp 40 tại Việt Nam (công ty phần mềm ITSOL) Đỗ Chí Cường cho biết, doanh nghiệp của ông từng tiếp nhận một số nhân sự từng làm trong khu vực nhà nước nhưng số người "lọc được", "dùng được" không nhiều.
CEO Đỗ Chí Cường phân tích, đặc thù ngành công nghệ yêu cầu kỹ năng chuyên môn cập nhật liên tục và tốc độ thích nghi cao thực sự là lưới lọc khó với "người nhà nước". Tuy nhiên, với những nhân sự từng sử dụng, ông chủ ứng dụng Ông Bụt đánh giá cao sự chỉn chu, cẩn thận và tinh thần trách nhiệm.
Theo ông, người từ khu vực nhà nước bước sang khu vực tư nhân có thuận lợi là sự am hiểu quy trình hành chính, kinh nghiệm xử lý công việc bài bản và có tính hệ thống. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là sự khác biệt về văn hóa làm việc.
Ông Cường chỉ rõ: "Môi trường doanh nghiệp tư nhân, nhất là trong ngành công nghệ, đòi hỏi sự linh hoạt, chủ động và tốc độ xử lý công việc nhanh hơn rất nhiều. Ở khu vực tư, hiệu quả công việc được đo lường bằng kết quả rõ ràng và thường đi kèm áp lực về thời gian. Vì vậy, người chuyển từ khu vực nhà nước sang nếu không sẵn sàng thích nghi sẽ gặp khó khăn".
Từ đó, vị doanh nhân cho rằng những người có tinh thần cầu tiến, dám thay đổi và học hỏi, thị trường tư nhân hoàn toàn có thể chào đón. Với mỗi doanh nghiệp, con người vẫn luôn là yếu tố quyết định thành bại. Trong thị trường lao động hiện đại, việc nhân sự xuất phát từ đâu không quan trọng, miễn là có năng lực, sự cầu tiến và tư duy văn hóa phù hợp.
Về con số 100.000 cán bộ, công chức, viên chức rời khu vực nhà nước trong đợt tinh giản này, theo ông chủ ITSOL, yếu tố quan trọng nhất vẫn là thể hiện sự phù hợp giữa nguyện vọng phát triển cá nhân với định hướng của doanh nghiệp, của thị trường.
"Và tôi tin, mỗi sự thay đổi đều mở ra những cơ hội mới, chỉ cần mỗi người dám bước qua vùng an toàn của mình", CEO Đỗ Chí Cường quả quyết.
Về nguyên tắc tính toán, các chuyên gia đều khẳng định quy mô nền kinh tế, thị trường lao động hơn 50 triệu người như Việt Nam thừa đủ để hấp thu khoảng 100.000 cán bộ tinh giản. Thế nhưng, bài toán khó là tìm việc cho đúng người, đưa người đến đúng việc và giữ được mức lương phù hợp.
Thực tế cần giải quyết là chênh lệch cung cầu về trình độ chuyên môn, ngành nghề và cả tiền lương trên thị trường. Khảo sát trong năm 2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, về trình độ chuyên môn, nhóm lao động tìm việc có trình độ đại học trở lên chiếm 70,06% tổng nhu cầu tìm việc nhưng doanh nghiệp chỉ cần tuyển 20,56%. Về kinh nghiệm, 54% người lao động đi tìm việc có trên 5 năm kinh nghiệm. Trong khi đó, doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động chưa có kinh nghiệm để trả lương thấp.
Những chênh lệch trên tạo nên nhiều khó khăn với những lao động rời khu vực nhà nước. Họ khó tìm được công việc phù hợp năng lực với mức lương mong muốn.
Đánh giá về mức tương thích của nhóm cán bộ tinh giản với thị trường việc làm ở khu vực tư, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình chỉ ra ưu điểm trước hết, đây là những lao động thường xuyên được đào tạo và có trình độ cơ bản, đã có nhiều kinh nghiệm làm việc, có tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp…
Tuy nhiên, thách thức với những người tinh giản là hầu hết đều trên 35 tuổi, sự linh hoạt và sức khỏe đều suy giảm, ảnh hưởng đến việc tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, khó cạnh tranh với lớp lao động trẻ hiện tại. Đồng thời, nhóm cán bộ rời nhà nước này lại có yêu cầu lựa chọn công việc cao hơn vì cần nhiều thời gian để chăm sóc gia đình.
Về giải pháp giải quyết vấn đề, Cục trưởng Cục Việc làm đề nghị thực hiện đồng bộ một loạt chính sách kịp thời để hỗ trợ nhóm lao động tinh giản chuyển đổi nghề nghiệp.
Theo TS Vũ Trọng Bình, để lực lượng 100.000 người tinh giản ổn định cuộc sống, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 177/2024/NĐ-CP (chính sách, chế độ áp dụng với người nghỉ hưu trước tuổi), 178/2024/NĐ-CP (chính sách hỗ trợ áp dụng với người nghỉ việc, thôi việc) với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho viên chức, người lao động bị ảnh hưởng theo chính sách việc làm hiện có như bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm…
Tuy nhiên, để việc dịch chuyển lần này diễn ra thuận lợi và hiệu quả, ông Vũ Trọng Bình cho rằng ngoài chính sách hỗ trợ của nhà nước còn cần sự tham gia của toàn xã hội, hỗ trợ hiệu quả cho khu vực tư nhân tiếp nhận lực lượng lao động dôi ra.
Đầu tiên, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực định hướng, phải tập trung đầu tư phát triển mạnh hơn các ngành nghề kinh tế mũi nhọn, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo ra nhiều việc làm mới, mang lại giá trị cao.
Cơ quan quản lý ngành sẽ tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động để kết nối việc làm, hỗ trợ đào tạo lại để họ chuyển đổi kỹ năng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động ngoài nhà nước.
Cục trưởng Cục Việc làm cũng đồng tình với những đề xuất xem xét các chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai khi lực lượng tinh giản tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, làm kinh tế gia đình… để tự tạo việc làm bền vững, có giá trị cao.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình chốt lại: "Việc một lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức rời khu vực công tham gia thị trường ngoài nhà nước mang đến cả cơ hội và thách thức. Để tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực này, nhà nước và chính bản thân các doanh nghiệp cần có kế hoạch đào tạo lại, hỗ trợ họ tái gia nhập thị trường, đồng thời khai thác tối đa những thế mạnh mà họ sẵn có".
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí về vấn đề chính sách áp dụng khi thực hiện "cuộc cách mạng tổ chức lại bộ máy nhà nước" từ kinh nghiệm của một quốc gia từng trải qua giai đoạn này, Bộ trưởng phụ trách Việc làm thuộc Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan Arto Olavi Satonen nhận định, đợt chuyển dịch lao động từ khu vực nhà nước sang khối tư nhân lần này của Việt Nam là một sự thay đổi đáng kể. Bộ trưởng nước bạn đưa ra 3 khuyến cáo với cơ quan quản lý cũng như người phải chuyển dịch.
Trước hết, Bộ trưởng Phần Lan nêu nguyên tắc, ở quốc gia nào thì công chức nói chung cũng là một lực lượng lao động tốt với những kỹ năng cụ thể. Tuy nhiên, để đưa sang khu vực tư nhân, những nhân lực này phải được chuẩn bị tinh thần là công việc cần làm sẽ có sự thay đổi lớn và có những lĩnh vực công việc cụ thể phù hợp cho việc dịch chuyển lao động đó.
"Các công việc liên quan đến công tác lập kế hoạch sẽ phù hợp với nhiều người từng là công chức. Một số khác lại có khả năng triển khai và hiện thực hóa kế hoạch", Bộ trưởng Arto Olavi Satonen nói.
Tiếp theo, Bộ trưởng Việc làm Phần Lan phân tích, dựa trên trình độ học vấn của công chức có thể đánh giá đa phần họ có khả năng tiếp thu kiến thức mới rất tốt. Vậy nên một số hình thức đào tạo thêm cho phù hợp với công việc mới là giải pháp cần thiết và hiệu quả.
Sau nữa, ông Arto Olavi Satonen nhấn mạnh, sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lực lượng lao động cũng là một trong những phương án hợp lý trong đợt tinh giản lớn này.
Nội dung: Hoa Lê, Sơn Nguyễn, Tùng Nguyên, Thái Anh
Thiết kế: Tuấn Huy
Dantri.com.vn
Bình luận (0)