Chiều 14/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Định cùng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã ký chương trình phối hợp thực hiện tín dụng CSXH, vay vốn trong lĩnh vực việc làm – giáo dục nghề nghiệp và cho vay các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Theo đó, 2 đơn vị sẽ phối hợp trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; công tác hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho hay mục tiêu phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách để sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Qua đó, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cùng với đó, hỗ trợ người lao động vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động và từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, góp phần hoàn thành chương trình giải quyết việc làm của tỉnh.
Hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, người lao động bị thu hồi đất và đối tượng do địa phương quy định được vay vốn tín dụng chính sách để đi làm việc ở nước ngoài.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, những năm qua, đơn vị này đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả công tác tín dụng CSXH, đặc biệt là công tác cho vay, tạo việc làm cho người lao động.
Tính đến cuối tháng 2, tổng dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt 1.780 tỷ đồng, với hơn 37.300 lao động còn dư nợ.
Tuy nhiên, chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều tại một số vùng, địa phương. Đặc biệt, một bộ phận người vay, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trình độ, năng lực sản xuất, kinh doanh hạn chế… dẫn đến sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, khó có khả năng trả nợ ngân hàng, phát sinh nợ quá hạn, nguy cơ tái nghèo.
Theo ông Lê Văn Nghinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định, nhiều lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài, nhất là người nghèo, cận nghèo khi đậu phỏng vấn nhưng lại không có tiền để đi.
“Trong những tháng đầu tiên họ phải có tiền để trang trải cuộc sống, các chi phí để làm hồ sơ, thủ tục ban đầu mất trên 30 triệu đồng, người nghèo không có tiền để đi”, ông Nghinh nói.
Ông Nghinh kiến nghị Ngân hàng CSXH, xem xét tạo điều kiện cho người lao động vay vốn để chi phí thời gian đầu. Ngoài ra, tạo điều kiện cho tổ tiết kiệm vay vốn ở các xã, phường làm cộng tác viên tham gia xuất khẩu lao động. Bởi vì tổ tiết kiệm vay vốn hướng dẫn làm thủ tục vay vốn, người lao động yên tâm hơn.